Chuyến tàu đầu tiên trên tuyến đường sắt Quán Triều-Núi Hồng mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN |
Đây là thông tin được ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) cho biết tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016 của VNR diễn ra sáng 5/1, tại Hà Nội.
Cụ thể, tính đến hết năm 2015, VNR đã thoái hết toàn bộ phần vốn tại 7/27 công ty; đã thực hiện thoái vốn theo kế hoạch nhưng chưa bán hết vốn tại 4/27 công ty. Tổng số tiền thu về sau khi thực hiện thoái vốn của các công ty đã thực hiện đạt trên 192 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với mệnh giá.
Đơn vị thi công tiến hành việc lắp đặt phiến dầm vượt qua sông Tô Lịch tại trụ DR14 sang DR13. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN |
Tính đến hết năm 2015, VNR đã cổ phần hóa thành công 24 doanh nghiệp do VNR làm chủ sở hữu đảm bảo đúng kế hoạch và mục tiêu mà Bộ Giao thông Vận tải đề ra. Đến thời điểm này đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông lần thứ nhất của 19/24 công ty, đảm bảo chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ 1/1/2016.
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2016, ông Trần Ngọc, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, năm 2016, ngành đường sắt xác định sẽ tiếp tục là một năm khó khăn trước sự cạnh tranh gay gắt của các phương tiện vận tải đường bộ và hàng không giá rẻ. Trong khi đó, các công ty cổ phần vận tải lại mới đi vào hoạt động. Các công ty cổ phần đường sắt rất khó vươn ra cạnh tranh trên thị trường xây lắp. Nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng đường sắt hạn hẹp. Mặc dù vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn quyết tâm thực hiện mọi biện pháp để nâng cao quản trị doanh nghiệp, ổn định và phát triển các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, đồng thời đảm bảo hiệu quả vận tải đường sắt.