Trái ngược với tình trạng ảm đạm, sức mua thấp trước đó, từ đầu tháng 9 đến nay, tại TP Hồ Chí Minh, sức mua hàng hóa tăng vọt đã hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ được lượng lớn hàng tồn kho và tăng mạnh doanh số bán hàng. Kết quả này có được là nhờ các doanh nghiệp đã tích cực tham gia Tháng khuyến mãi 2013 (từ 28/8-30/9).
Doanh số bán hàng tăng mạnh
Khảo sát từ các doanh nghiệp cho thấy, từ đầu tháng 9 đến nay, doanh nghiệp và các nhà bán lẻ đã tăng được doanh thu gấp đôi, gấp ba so các tháng trước. Số liệu thống kê từ Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy sức mua của người dân đã tăng từ 40-50%. Trong đó, những mặt hàng có sức mua tăng nhiều nhất là nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, hàng điện máy, quần áo thời trang, đồ gia dụng...
Mặt hàng thực phẩm tươi sống có sức mua tăng nhiều trong Tháng khuyến mãi. |
Ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc chuỗi siêu thị Co.opmart, cho biết: Tính từ đầu tháng 9 đến nay, lượng khách hàng tham quan mua sắm và doanh số bán hàng tại các siêu thị tăng trưởng tốt. Trong đó, các mặt hàng thuộc nhóm thực phẩm tươi sống tăng mạnh hơn các nhóm hàng khác, cao điểm có lúc đạt mức tăng hơn 80% so với ngày thường. Tỉ trọng doanh số bán hàng nghiêng về các mặt hàng nhu yếu phẩm và các sản phẩm được giảm giá trực tiếp.
Trong khi đó, ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc marketing hệ thống điện máy Thiên Hòa, cho biết, trong các mặt hàng tồn kho, hàng điện máy có lượng tồn kho khá lớn. Do đó, Tháng khuyến mãi là cơ hội để các doanh nghiệp kích cầu, nâng cao doanh số, đồng thời cũng giúp giải phóng lượng hàng tồn kho từ trước đến nay để nhập nguồn hàng mới chuẩn bị cho thị trường Tết 2014. “Sau những ngày thực hiện chương trình “Giảm giá đến 49%”, doanh số kinh doanh tại Thiên Hòa đã tăng vọt hơn 200% so với trước đó. Lượng khách hàng cũng đã tăng đột biến, đặc biệt vào cuối tuần với hơn 50.000 lượt khách mua sắm. Dự báo sức mua sẽ tiếp tục tăng mạnh và duy trì vào những ngày tiếp theo trong Tháng khuyến mại”, ông Hậu cho biết.
Giảm gánh nặng chi tiêu
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, khi sức mua giảm, hàng tồn kho nhiều, việc khởi động “Tháng khuyến mãi” đã tạo được hiệu ứng tích cực cho cả hai phía là người tiêu dùng và cả doanh nghiệp. Theo thống kê, chỉ trong những ngày đầu của tháng 9, có doanh nghiệp đã giảm được 20 - 30% lượng hàng tồn kho. Trong khi đó, người tiêu dùng sau nhiều tháng thắt chặt chi tiêu đã có nhiều cơ hội mua được hàng hóa chất lượng với giá tốt. Chị Mỹ Vân, một khách hàng thường xuyên đi mua sắm tại các siêu thị, cho biết: “Hầu hết các siêu thị bán lẻ đều có rất nhiều sản phẩm giảm giá, đặc biệt có những loại hàng hóa thiết yếu giảm giá đến 50% trong Tháng khuyến mãi này nên tôi đã tranh thủ đi mua hàng. Không những vậy, tôi còn rủ thêm nhiều bạn bè cùng mua sắm để được hưởng nhiều ưu đãi hơn”.
“Tháng khuyến mãi đã tạo được hiệu ứng tích cực như sức mua tăng, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp giảm. Những tín hiệu tích cực này đã tạo thêm động lực để doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn với nhà sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho mùa cao điểm mua sắm cuối năm”, ông Lê Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Trong khi đó, theo ông Trần Tấn An, Phó Tổng Giám đốc Vissan, Tháng khuyến mãi cũng là cơ hội để doanh nghiệp thăm dò sức mua của thị trường, qua đó xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp cho mùa cao điểm cuối năm. “Đối với mặt hàng thực phẩm, từ đầu năm đến nay, sức mua có tăng nhưng tăng chậm, nhưng đến Tháng khuyến mãi sức mua đã tăng rõ rệt. Vì vậy, chiến lược của chúng tôi cho mùa cao điểm sắp tới là sẽ đề ra chỉ số tăng trưởng doanh số bán hàng riêng cho từng mặt hàng cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ tung ra nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi để tăng sức cầu cho thị trường và phần nào giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho người tiêu dùng”, ông An cho biết.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết