Đây là nhận định của các đại biểu tại “Hội thảo góp ý đánh giá kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo và đề xuất bổ sung, chỉnh sửa đề án tái cơ cấu lúa gạo đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030” do Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 25/12.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030 được triển khai từ năm 2016 với mục tiêu tổng quát nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh lúa gạo làm cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững và tham gia hiệu quả vào thị trường toàn cầu.
Nhiều chỉ tiêu được đặt ra cho mốc năm 2020 như: đảm bảo lợi nhuận người trồng lúa hàng hóa đạt từ 30% tổng thu trở lên; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm trên 75% diện tích tại vùng chuyên canh của Đồng bằng sông Cửu Long. Tại các vùng chuyên canh, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn chiếm 20% trở lên.
Diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt từ 50% diện tích gieo trồng trở lên, giảm 30% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật so với ban đầu, giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 8% và 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam...
Trong khi một số chỉ tiêu như đảm bảo an ninh lương thực, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu có thể đạt được khá dễ dàng thì một số chỉ tiêu như nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Trần Xuân Định, Chuyên gia tư vấn kỹ thuật đề án phân tích, từ khi thực hiện tái cơ cấu sản xuất lúa gạo, diện tích gieo trồng đã giảm dần qua từng năm nhưng năng suất tăng nên sản lượng vẫn ổn định ở mức từ 43-44 triệu tấn/năm; không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo mỗi năm với kim ngạch khoảng 3 tỷ USD.
Song song với việc giảm diện tích gieo trồng, cơ cấu giống lúa có sự chuyển đổi tích cực, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tại vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ sử dụng giống lúa thơm đặc sản, lúa chất lượng cao đều tăng từ 2-6%. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm gần 80% sản lượng gạo xuất khẩu. Nhờ đó, giá gạo xuất khẩu bình quân năm sau thường cao hơn năm trước 50 USD/tấn và có thời điểm cao hơn giá gạo Thái Lan cùng chủng loại.
Tuy nhiên, chiến lược tái cơ cấu lúa gạo vẫn còn nhiều tồn tại; trong đó, có việc quy hoạch sử dụng đất lúa của từng vùng đã quy hoạch nhưng thực thi không triệt để, chuyển đổi đất lúa sang các loại cây trồng khác còn chậm; chủ trương dồn điền đổi thửa có chuyển dịch nhưng phần lớn diện tích sản xuất lúa vẫn còn manh mún, đặc biệt ở khu vực phía bắc.
Tổ chức sản xuất thiếu tính bền vững, vẫn còn tình trạng sử dụng quá liều lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật làm tăng chi phí và ảnh hưởng môi trường. Diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa theo mô hình cánh đồng lớn mới chỉ đạt khoảng 500.000 ha; phần lớn tiêu thụ lúa nguyên liệu dựa vào đội ngũ thương lái với giá cả bấp bênh, tiềm ẩn rủi ro cao. Chất lượng gạo không đồng đều, ảnh hưởng đến giá trị và uy tín khi xuất khẩu - ông Định phân tích.
Để giải quyết các hạn chế trên, Cục Trồng trọt tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đến năm 2025, tầm nhìn 2030 theo hướng nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững. Theo đó, ngoài việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước còn phải hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo. Đặc biệt, tái cơ cấu lúa gạo giai đoạn mới phải mang lại hiệu quả nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng, phát triển xuất khẩu gạo theo chất lượng cao và giá trị cao.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, an ninh lương thực Việt Nam đã được đảm bảo. Mục tiêu thời gian tới là nâng cao giá trị xuất khẩu bằng chất lượng và thương hiệu chứ không phải về sản lượng. Muốn tái cơ cấu ngành lúa gạo hiệu quả cần thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp: hể chế và chính sách; phát triển khoa học và công nghệ; đầu tư cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, Nhà nước cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hoá và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giống lúa, tăng tỷ lệ chế biến sâu các sản phẩm từ gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam giúp nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Cùng quan điểm, đại diện Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, tái cơ cấu ngành lúa gạo chỉ thật sự hiệu quả khi giải quyết được bài toán cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, chỉ tập trung vào quy hoạch sản xuất là chưa đủ mà cần phát triển đồng bộ các dịch vụ nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.