Đây là năm thứ ba liên tiếp lạm phát được kiểm soát dưới mức 4% ở mức 3,54%. Kết quả này sẽ là nền tảng quan trọng để cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Tăng trưởng toàn diện
“Năm 2018, chúng ta không chỉ giữ vững mà phát triển khá toàn diện trong bối cảnh quốc tế phức tạp, nhất là giữ được ổn định vĩ mô, tăng trưởng cao, mang lại niềm tin lớn cho gần 100 triệu dân”. Đây là đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi nói về những nỗ lực trong suốt năm qua của cả hệ thống chính trị, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Có thể nói, năm 2018 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng mạnh mẽ, tác động bất lợi của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, xu hướng tăng lãi suất, sự khó lường trên thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế, giá dầu diễn biến phức tạp... Ở trong nước, những tồn tại nhiều năm trước chưa được khắc phục triệt để, đó là năng suất lao động còn hạn chế, giải ngân vốn đầu tư tuy có sự cải thiện, nhưng vẫn chậm, tiến trình cơ cấu nền kinh tế chưa được mạnh mẽ... là những yếu tố gây cản trở sự tăng trưởng.
Tuy nhiên, xác định năm 2018 là năm bản lề quyết định sự thành công của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, với phân tích, nhận định được tình hình thực tế kèm theo đó là sự uyển chuyển trong chỉ đạo, điều hành tại mỗi thời điểm của Chính phủ, đặc biệt là việc giao trách nhiệm người đứng đầu trong việc kiểm tra, giám sát nhiệm vụ được giao, các chỉ số kinh tế đạt được đã ghi dấu sự thành công trong điều hành của Chính phủ và nỗ lực thực hiện của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, kết quả của năm 2018 và giai đoạn 2019 - 2020 là những nền tảng quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Trong năm 2018, điểm nhấn thành công nhất trong điều hành của Chính phủ là việc nỗ lực chỉ đạo đưa các Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và gần đây nhất là Nghị quyết 139 của Chính phủ về chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp vào thực tế. Việc này đã tạo sự hứng khởi, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho cộng đồng doanh nghiệp.
Bằng chứng là năm 2018 cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng gần 5.000 doanh nghiệp so với năm 2017. Đây là "lực lượng" mà Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đánh giá là nền tảng quan trọng đóng góp rất lớn cho nền kinh tế.
Sự cải thiện về môi trường, chất lượng đầu tư kinh doanh của Việt Nam năm 2018 đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu - Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018 đánh giá Việt Nam đứng thứ 77/140 nền kinh tế với số điểm và thứ hạng tương đối cao về ổn định kinh tế vĩ mô đạt 75/100 điểm (xếp thứ 64/140); quy mô thị trường đạt 71/100 điểm (xếp thứ 29/140 - chỉ số Việt Nam có thứ hạng cao nhất).
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cũng đánh giá Việt Nam có chỉ số môi trường kinh doanh có bước tiến tích cực. Nhà cung cấp các chỉ số thị trường chứng khoán và dịch vụ dữ liệu liên quan Vương quốc Anh (FTSE Russell) đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi cuối tháng 9/2018.
Năm 2018 cũng ghi nhận Việt Nam nỗ lực trong hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách từng bước đưa hệ thống chính sách Việt Nam tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Việt Nam đã triển khai đúng lộ trình cam kết về thuế xuất nhập khẩu và các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ tài chính (chứng khoán, bảo hiểm, kế toán kiểm toán và các dịch vụ tài chính khác) đối với các Hiệp định đã có hiệu lực. Cụ thể, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý, đáp ứng quá trình hội nhập, tiến tới các chuẩn mực quốc tế. Có thể kể đến như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kiểm toán độc lập…
Nhờ sự tương thích với yêu cầu hội nhập đã giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển thị trường, khơi thông dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh, chất lượng. Dự kiến đến cuối năm 2018, Việt Nam thu hút 27.353 dự án FDI của 130 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 340,1 tỷ USD. Hiện khu vực FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tạo ra 8,5 triệu việc làm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam xác lập kỷ lục mới, đạt 482,23 tỷ USD, xuất siêu đạt 7,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
Đặc biệt, năm 2018 tiếp tục ghi nhận quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiệu quả với chất lượng ngày càng được cải thiện, giảm sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tài nguyên cũng như nguồn vốn tín dụng.
Theo Bộ Tài chính, nguồn thu từ dầu thô vào ngân sách Nhà nước đã liên lục giảm từ bình quân 30% vào những năm 2006 – 2010 thì đến năm 2018 giảm xuống còn 4% và dự kiến trong năm 2019 chỉ còn chiếm 3,2%. Tính đến ngày 14/12/2018, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam tăng khoảng 13%, thấp hơn so với năm 2017; trong khi đó, tăng trưởng GDP vẫn tăng cao hơn so với năm 2017 cho thấy kinh tế Việt Nam đã giảm sự phụ thuộc vào kênh huy động tín dụng.
Tìm động lực mới cho tăng trưởng
Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn và các chuyên gia, năm 2019, nền kinh tế Việt Nam tiềm ẩn một số rủi ro, thách thức cần được giải quyết. Đó là sức ép về lãi suất đồng USD, giá dầu thô và giá cả hàng hóa thế giới; căng thẳng do cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể kéo dài; xu hướng bảo hộ mậu dịch tiếp tục gia tăng, tạo áp lực lớn cho điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất và lạm phát trong nước.
Từ năm 2019, Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký kết, nhất là cam kết mở cửa, hội nhập,... cùng với việc mang lại cơ hội thu hút nguồn lực nước ngoài, nhưng đồng thời cũng là áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với sản xuất, kinh doanh trong nước.
Trước những thách thức này, năm 2019 được cho là năm then chốt quyết định sự thành công của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần phải tạo dựng các động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Trước hết phải kể đến động lực đến từ hội nhập kinh tế quốc tế đã chuyển sang giai đoạn mới. Năm 2019 Việt Nam đã hoàn thành lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và cắt giảm thuế quan theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, bắt đầu thực thi các cam kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với mức độ cắt giảm sâu rộng. Việt Nam đã ký kết và chuẩn bị triển khai các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA với Cộng đồng chung châu Âu với những cam kết sâu rộng, tiêu chuẩn cao và mở rộng trên nhiều lĩnh vực.
Những thỏa thuận FTA này tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam với độ mở cao của nền kinh tế, đồng thời tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ cũng sẽ là động lực quan trọng đóng góp rất lớn cho kinh tế Việt Nam. Việc Chính phủ liên tục thúc ép các Bộ, ngành, địa phương cải thiện môi trường kinh doanh sẽ tiếp tục tạo niềm tin, cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế diễn ra ở các ngành kinh tế và ngay trong nội bộ ngành cũng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và chất lượng trong thời gian tới.
Chẳng hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, quá trình chuyển đổi cơ cấu từ sản xuất cây, con có giá trị thấp sang giá trị cao, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường khó tính đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa. Hay với lĩnh vực công nghiệp cũng đã chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn.
Tạo áp lực để tận dụng mọi cơ hội
Trong cuộc làm việc của Thủ tướng Chính với Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng những ngày cuối năm 2018, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã nhận định tiềm năng của nền kinh tế còn rất lớn và xuất hiện thêm không ít cơ hội mới trong năm 2019.
Nếu có giải pháp thực thi tốt, tận dụng được cơ hội mới, khai thác tốt hơn tiềm năng của nền kinh tế, trong hai năm tới Việt Nam vẫn có thể tiếp tục đà tăng trưởng.
Tổ tư vấn đã đưa ra 3 kịch bản trong thời gian tới. Theo đó, kịch bản 1 (dựa trên giả thuyết điều kiện bình thường của nền kinh tế), GDP tăng trưởng trung bình 6,86%/năm cho giai đoạn 2018 – 2020. Kịch bản 2, con số này là 6,91% và kịch bản 3 là 7,06%. Năm 2019, có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 6,9 - 7% và lạm phát dưới 4%.
Để đạt được mục tiêu nói trên, Tổ tư vấn cho rằng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ phải đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2018 và phải coi đây là hai động lực chính; khu vực tư nhân phải có biện pháp mạnh hơn nữa so với năm 2018.
Tổ tư vấn cũng kiến nghị Chính phủ các ưu tiên tập trung chỉ đạo trong thời gian tới là thực hiện các chính sách, giải pháp tháo gỡ 4 nút thắt căn bản là vướng mắc triển khai dự án lớn; trở ngại trong bứt phá khu vực tư nhân; khó khăn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nút thắt trong khai thông nguồn lực xã hội.
Để gỡ 4 nút thắt căn bản trên, theo Tổ tư vấn, trong năm 2019 cần phải tạo áp lực cho các Bộ, ngành, địa phương trong thực thi chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thực tế này đã được chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận: Cải cách môi trường kinh doanh được Chính phủ đưa ra rất mạnh mẽ, Thủ tướng Chính phủ cũng nói đến rất nhiều, nhưng việc xử lý của các tỉnh, thành phố và khu vực dịch vụ vẫn còn hạn chế.
Theo đó, Tổ tư vấn đã kiến nghị cần thay đổi một cách căn bản trong nguyên tắc xây dựng tổ chức bộ máy và phân giao nhiệm vụ cho Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương theo hướng một việc chỉ giao cho một cơ quan, trong cơ quan chỉ giao một đơn vị, trong đơn vị chỉ giao một cá nhân. Đơn vị và cá nhân được giao có quyền giải quyết theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân, việc tham khảo ý kiến do đơn vị, cá nhân có thẩm quyền tự quyết định; xóa bỏ cơ chế “công vụ lồng ghép”.