Cần bảo hộ, chế biến sâu và sạch
Theo ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, ở các quốc gia, cà phê đều được bảo hộ nhưng cà phê Robusta của Việt Nam lại hoàn toàn chưa được quốc gia nào bảo hộ. Vì vậy doanh nghiệp Việt Nam cần phải bảo hộ nhằm tăng giá trị cho người sản xuất, nhất là 5 tỉnh Tây Nguyên - thủ phủ của loại cà phê này.
Ông Thái Như Hiệp cũng cho biết, hiện nay, các đơn vị phát triển, gia tăng giá trị cho cà phê ở Việt Nam chủ yếu làm ở phần ngọn mà chưa quan tâm giải quyết phần gốc. "Muốn phát triển phần gốc, các đơn vị, doanh nghiệp, nông dân cần tập trung vào chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm… Để làm được việc này, cần phải có sự liên kết giữa doanh nghiệp, nhà quản lý và người nông dân trong các khâu từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm", ông Thái Như Hiệp khẳng định.
Theo ông Thái Như Hiệp, muốn tăng giá trị từ gốc, trước tiên nông dân, doanh nghiệp đều cần có vốn. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp làm nông nghiệp đang phải vay vốn với lãi suất 12%/năm. Đây là nút thắt rất lớn cần tháo gỡ cho các doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp đang mong được hỗ trợ bằng các chính sách tín dụng nông nghiệp, hỗ trợ cho các hợp tác xã. Trong khi đó, đối với các hộ nông dân, họ cần vốn để duy trì sản xuất, đầu tư giống cây trồng và bao tiêu sản phẩm cho đầu ra…
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn cầu (thương hiệu cà phê Meet More) cũng cho rằng, cách làm hiện nay của cà phê Việt Nam chỉ là tự phát, manh mún, không có liên kết nên khó phát triển bền vững. “Trước mắt, muốn nâng giá trị cà phê, chúng ta cần có chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp trong nước tập trung nghiên cứu, đầu tư chế biến sâu để tạo ra các dòng sản phẩm đa dạng và khác biệt nhằm phục vụ thị trường; xây dựng chiến lược truyền thông dài hạn để tập trung tuyên truyền “Người Việt Nam tự hào khi sử dụng hàng Việt” kể cả trong và ngoài nước đối với sản phẩm cà phê”, ông Luận đề xuất.
Trong khi đó, ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam - Quốc tế cho rằng, hiện nay, muốn phát triển và nâng giá trị cà phê Việt, cần chú trọng đầu tư sản xuất cà phê sạch để đáp ứng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những thị trường khó tính; đồng thời phải chế biến sâu và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các vùng trồng cà phê lớn để gia tăng giá trị sản phẩm từ các vùng trồng.
Hướng đến xuất khẩu cả chuỗi giá trị
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành cà phê Việt Nam hiện nay vẫn đang xuất khẩu theo “từng món”, nhưng lại nhập khẩu "nguyên một chuỗi giá trị". Dẫn lại câu chuyện thành công của Starbucks, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, hiện nay, Starbucks là thương hiệu toàn cầu và họ xuất khẩu cả một quy trình, công nghệ cà phê cũng như cả một không gian bán hàng, trong khi chúng ta lại chưa làm được như vậy.
“Qua quan sát, tôi thấy chúng ta chủ yếu nhập khẩu để phục vụ cho những chuỗi thương hiệu cà phê lớn hoặc những sản phẩm cho du khách trong các cơ sở lưu trú - mà người ta quen dùng. Vì vậy, muốn xuất khẩu chuỗi giá trị, chúng ta phải làm sao có nhiều thương hiệu cà phê được hình thành tại Việt Nam, do công ty Việt Nam sản xuất”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, chúng ta cũng cần có các phòng trưng bày về nông sản Việt tại các thành phố và tại các nước để giới thiệu, cũng như xúc tiến thương mại thường xuyên giữa các doanh nghiệp các nước. Ở các nước, chúng ta có thể liên kết và truyền thông, giới thiệu đến các hội cựu sinh viên Việt Nam, cộng đồng Người Việt Nam tại nước sở tại về các sản phẩm nông sản Việt để mọi người biết và ủng hộ sản phẩm của người Việt.
Liên quan đến hỗ trợ của ngành Công Thương cho việc xây dựng thương hiệu cà phê Việt, bà Bùi Hoàng Yến, Đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tại TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua Cục Xúc tiến thương mại đã thực hiện nhiều hoạt động để hỗ trợ nâng cao giá trị, thương hiệu cho nông sản nói chung, cà phê nói riêng. Cụ thể, Cục phối hợp các bộ, ban ngành huấn luyện cho hộ nông dân thực hiện livestream bán hàng trên nền tảng số; tuyên truyền về sự thay đổi của thị trường sau COVID-19; phối hợp với các tổ chức nước ngoài hướng dẫn bà con sản xuất đạt chứng nhận quốc tế; tổ chức các đoàn tham dự những chương trình triển lãm, hội chợ tại nước ngoài…
Cũng theo bà Bùi Hoàng Yến, để nâng cao giá trị và thương hiệu cà phê Việt, các doanh nghiệp cần có sự phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương ở nước ngoài để nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thị trường nhằm có thay đổi phù hợp. Đặc biệt cũng khuyến cáo doanh nghiệp có sự thay đổi trong các khâu như nhân viên phụ trách sale xuất khẩu và thu mua hàng hóa; bởi ngoài tham gia hội chợ trực tiếp, xu thế quốc tế hiện đang có phiên bản hội chợ online và kỹ năng bán hàng phải thay đổi về logic, suy nghĩ...