Trong khi số trường hợp mắc bệnh và tử vong trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng mỗi ngày, những thiệt hại về kinh tế cũng ngày càng trở nên đậm nét hơn, phản ánh cú sốc lớn nhất trong hàng thập niên qua mà nền kinh tế toàn cầu đang phải hứng chịu.
Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2020 của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 8/6 cho thấy nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% trong năm nay do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 cùng với các biện pháp đóng cửa nền kinh tế.
Cuộc khủng hoảng có nguy cơ đẩy 70-100 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh nghèo cùng cực, một viễn cảnh tệ hơn nhiều so với con số ước tính 60 triệu người trước đây. Điều này đồng nghĩa đây sẽ là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, với quy mô các nước bị sụt giảm sản lượng kinh tế bình quân trên đầu người lớn nhất kể từ năm 1870.
Theo báo cáo của WB, các quốc gia nơi đại dịch xảy ra nghiêm trọng nhất và những nước phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu, du lịch, xuất khẩu hàng hóa và tài chính bên ngoài sẽ bị tác động nặng nề nhất, mặc dù mức độ sẽ khác nhau theo từng khu vực.
Tại Mỹ, tâm dịch COVID-19 của thế giới với hơn 2 triệu ca mắc và 113.000 ca tử vong tính đến thời điểm hiện tại, nền kinh tế được dự báo suy giảm 6,1% trong năm nay. Trên thực tế, đại dịch bắt đầu tác động xấu đến nền kinh tế Mỹ từ tháng 2 và buộc hàng loạt doanh nghiệp ở nước này phải đóng cửa từ giữa tháng 3 vừa qua. Hơn 42 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 11 tuần qua.
Theo Văn phòng Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER), những chỉ dấu tiêu cực của nền kinh tế Mỹ đã chấm dứt giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử nước này kể từ năm 1854. Trước đó, hồi đầu tháng này, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) nhận định nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể sẽ mất gần một thập niên để phục hồi hoàn toàn khỏi những tác động của dịch COVID-19 với mức thiệt hại dự báo vào khoảng 8.000 tỷ USD.
Còn tại Mỹ Latinh, điểm nóng mới của dịch COVID-19, WB cảnh báo khu vực này sẽ phải hứng chịu tác động nặng nề hơn mức trung bình của thế giới, với mức suy giảm kinh tế tới 7,2% trong năm nay. Nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm tăng trưởng của các nước Mỹ Latinh là do giá dầu khí sụt giảm, tình trạng “tháo chạy ồ ạt” của các dòng vốn khỏi thị trường, cũng như sự suy giảm của các nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Sản lượng của khu vực đồng tiền chung châu Âu euro (Eurozone) dự báo giảm 9,1%, trong khi các nền kinh tế đang phát triển và thị trường nới nổi (EMDE) cũng ghi nhận mức sụt giảm đầu tiên trong ít nhất 60 năm qua là 2,5%. Trung Quốc là nền kinh tế duy nhất được dự báo chứng kiến mức tăng trưởng vừa phải trong năm nay, cụ thể là tăng 1%. Tuy nhiên, WB cảnh báo sự sụt giảm sản lượng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới so với trước đây sẽ gây cản trở cho triển vọng phục hồi của các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là các nước xuất khẩu hàng hóa chủ yếu sang Trung Quốc.
Theo giới phân tích, nhìn chung, tình trạng giảm tốc của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới có nguy cơ đảo ngược tiến trình hướng tới các mục tiêu phát triển mà nhiều nước gây dựng trong những năm qua, đồng thời đẩy hàng chục triệu người rơi trở lại cảnh nghèo cùng cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang từng bước nới lỏng phong tỏa do đại dịch COVID-19, các dự báo của WB - mặc dù tiêu cực - được cho sẽ tiếp thêm “động lực” để các chính phủ tiếp tục đẩy nhanh kế hoạch mở cửa trở lại nhằm "cứu" nền kinh tế trước khi quá muộn.
Các chuyên gia cho rằng, trong những tháng tới, nhiều nước có thể sẽ áp dụng các biện pháp kích thích bổ sung để giúp vực dậy nền kinh tế đang oằn mình trước tác động của dịch bệnh. Tăng trợ cấp cho người lao động và hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp là những đề xuất trong ngắn hạn có thể được xem xét thực hiện. Trong dài hạn, triển vọng tăng trưởng u ám nhiều khả năng sẽ buộc các chính phủ phải thực hiện chương trình cải cách toàn diện để cải thiện những động lực cơ bản của nền kinh tế ngay khi cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 có dấu hiệu lắng dịu.
Thực tế là hiện Mỹ và nhiều khu vực khác trên thế giới đã bắt đầu cho phép người dân quay trở lại làm việc và “bật đèn xanh” cho các doanh nghiệp mở cửa trở lại sau gần 3 tháng gián đoạn. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào vừa dỡ bỏ hạn chế để kích thích kinh tế, vừa tránh được nguy cơ lây lan dịch bệnh, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa khuyến cáo thế giới không lơ là trong cuộc chiến chống COVID-19 do dịch bệnh vẫn diễn biến xấu đi trên toàn cầu. Lúc này, thách thức đặt ra đối với các chính sách tái thiết trong cả ngắn hạn và dài hạn là ưu tiên giải quyết các vấn đề về y tế trong khi vẫn giảm thiểu được các thiệt hại về kinh tế. Thách thức này đòi hỏi các chính phủ phải tăng cường chất lượng các dịch vụ y tế song song với áp dụng các biện pháp nhằm khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế, trong đó hỗ trợ khu vực tư nhân và trợ cấp tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng có thể là một đề xuất.
Còn trong giai đoạn hậu nới lỏng phong tỏa, giới chuyên gia cũng cho rằng các chính phủ cần tập trung vào các hoạt động kinh tế bền vững, đồng thời tăng cường hỗ trợ các hộ gia đình, các doanh nghiệp và dịch vụ thiết yếu. Phối hợp và hợp tác toàn cầu cũng là những biện pháp cần thiết để chặn đứng đà lây lan của đại dịch COVID-19.
Báo cáo của WB là một bằng chứng cho thấy kinh tế thế giới vẫn đang đứng trước những thách thức lớn ngay cả khi các nước bắt đầu nối lại một phần hoạt động kinh tế sau nhiều tháng đóng cửa vì dịch bệnh. Thách thức này không dễ giải quyết khi mà vẫn còn đó nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, đe dọa làm xói mòn các nỗ lực phục hồi kinh tế và biến cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại thành một cuộc khủng hoảng tài chính mà trong đó nhiều nước sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ. Trong bối cảnh đó, các chính phủ cần nhanh chóng đánh giá những tác động của đại dịch COVID-19, từ đó đưa ra những giải pháp hợp lý và kịp thời nhằm giúp nền kinh tế thoát khỏi "cú sốc" COVID-19 và phục hồi sau đại dịch một cách an toàn. Điều này đòi hỏi một quyết tâm cao độ của chính phủ các nước cùng với sự đồng lòng phối hợp trên quy mô toàn cầu.
Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện nay, châu Á có thể đóng vai trò đầu tàu trong phục hồi kinh tế sau đại dịch. Các nền kinh tế châu Á phải đối mặt với dịch bệnh sớm hơn Mỹ và châu Âu, bởi vậy về lý thuyết có thể sớm vượt qua khủng hoảng do các biện pháp phong tỏa và kiểm dịch gây ra. Trên thực tế, kinh tế châu Á đang phục hồi đã trở thành trung tâm mới của nền kinh tế toàn cầu. Nhiều ý kiến nhận định đại dịch đã làm tăng ảnh hưởng của các nền kinh tế của Đông Á và Đông Nam Á đối với nền kinh tế thế giới. Bởi vậy các nước châu Á có thể tận dụng cơ hội tăng cường hợp tác và điều phối phát triển kinh tế, phối hợp các chính sách tài chính, thương mại, y tế công cộng và an ninh lương thực để vươn lên trong giai đoạn hậu COVID-19.