Vì vậy, để phát huy vai trò của mình cũng như thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển bền vững, TP Hồ Chí Minh đã chủ động kết nối với các địa phương trong vùng để thúc đẩy hợp tác với tinh thần “đôi bên cùng có lợi”.
Kết nối thị trường
Theo Quy hoạch định phát triển vùng TP Hồ Chí Minh gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang; trong đó, TP Hồ Chí Minh được xác định có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh: “Đến thời điểm này thì không thể nói TP Hồ Chí Minh cạnh tranh với các địa phương mà phải phát huy vai trò kinh tế vùng của thành phố trong xuất khẩu. Thành phố phải đảm nhiệm vai trò dịch vụ, đặc biệt là xuất khẩu. Hàng hóa về TP Hồ Chí Minh và thành phố làm nhiệm vụ hạ tầng về xuất khẩu, làm thế nào để giúp các tỉnh cùng phát triển".
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, mô hình tăng trưởng xuất khẩu sắp tới của thành phố như “con cá chép”; trong đó, nền tảng các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu là phần đầu cá; các sản phẩm truyền thống có thế mạnh là phần thân cá và phần đuôi con cá nhóm hàng hoá vô hình như: phần mềm và nội dung số...
Để “cá chép hóa rồng” vượt biển, vươn xa thì thành phố phải giải quyết điểm nghẽn logistic, làm tốt dich vụ xuất khẩu, kết nối vùng và tạo ra những sản phẩm công nghệ số nổi trội để có thể cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia khác.
Theo các chuyên gia kinh tế, thành phố không có thế mạnh về vùng nguyên liệu hay sản xuất nhưng là cửa ngõ xuất khẩu của nhiều địa phương lân cận. Để phát huy được thế mạnh này, trước hết thành phố phải làm đầu mối kết nối tốt các vùng.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng phân tích, nằm ở vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP Hồ Chí Minh đóng vai trò như cửa ngõ phát triển, liên kết kinh tế giữa miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên.
Đây là một vùng kinh tế quan trọng với vùng nguyên liệu nông nghiệp, cây công nghiệp tập trung quy mô lớn nhất cả nước; có nguồn tài nguyên giá trị kinh tế cao, đặc biệt là dầu khí, tạo điều kiện cho vùng có khả năng phát triển chuyên môn hóa cao, đồng bộ, có sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập.
"Với vị trí là cửa ngõ phát triển của vùng kinh tế phía Nam, TP Hồ Chí Minh có những bóng dáng tiềm năng để trở thành trung tâm đầu mối dịch vụ và thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế", ông Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh.
Một trong những lĩnh vực mà TP Hồ Chí Minh đang thúc đẩy kết nối vùng mạnh mẽ là du lịch. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh hợp tác với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long để khai thác tiềm năng du lịch khu vực phía Nam, đảm bảo lợi ích và nâng cao chất lượng đời sống người dân, khuyến khích người dân địa phương tham gia làm du lịch. Thành phố được xác định là một trong những thị trường lớn để kết nối và đẩy mạnh việc phát triển du lịch giữa các vùng trên cả nước, nhất là đối với Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực đa dạng hóa, phát huy tiềm năng du lịch của địa phương và hình thành sản phẩm liên vùng. Trong đó, các địa phương từng bước hình thành những chương trình du lịch đặc trưng kết nối tuyến, điểm du lịch, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến nay, ngành du lịch thành phố đã ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch song phương, đa phương với 48 tỉnh, thành. Phát triển công nghiệp TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2021-2025 cũng được xác định gắn với kinh tế vùng, nâng cao năng suất tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, trong mối liên kết vùng, công nghiệp trên địa bàn thành phố tập trung vào nghiên cứu phát triển để phát triển sản phẩm mới, cải tiến các sản phẩm hiện có; phát triển công nghiệp công nghệ cao, đặt trụ sở chính trên địa bàn thành phố, các hoạt động sản xuất có thể bố trí ở các địa phương khác trong cả nước.
Phát triển công nghiệp theo chiều sâu; tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phát triển các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; trong đó, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hàm lượng giá trị gia tăng trong công nghiệp.
Sớm giải quyết bài toán giao thông
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, hạ tầng giao thông kết nối TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long đang rất yếu. Nhiều trục đường bộ theo quy hoạch đến năm 2020 phải hoàn thành nhưng đến nay mới đầu tư giai đoạn 1 hoặc đang quá trình nghiên cứu. Tuyến đường thủy qua kênh Chợ Gạo thì hẹp…
“Do kết nối vùng về giao thông còn hạn chế, dẫn đến tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra. Đồng thời, chi phí vận tải tăng cao làm ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh”, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhận định.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhận định, hiện trạng hạ tầng giao thông trở thành lực cản lớn nhất đối với sự phát triển của vùng, tương tự như TP Hồ Chí Minh. Ông phân tích hiện nay, về mặt địa lý kinh tế thì TP Hồ Chí Minh thuộc Đông Nam Bộ chứ không phải Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên, hoạt động kinh tế thực thì lại gắn với Đồng bằng sông Cửu Long nhiều hơn.
Cụ thể, hiện khu vực Đông Nam Bộ (trừ TP Hồ Chí Minh) đóng góp 9,8% GDP cả nước, trong khi Đồng bằng sông Cửu Long góp 18% (gấp 1,8 lần Đông Nam bộ). Ngoài ra, quy mô dân số của Đồng bằng sông Cửu Long cũng gấp ba lần, diện tích gấp 1,9 lần so với Đông Nam bộ. Bên cạnh đó, Đồng bằng sông Cửu Long cũng là nơi cung cấp phần lớn lao động cho TP Hồ Chí Minh.
“Vì vậy, muốn giải quyết bài toán giao thông cho Đồng bằng sông Cửu Long mà không đưa Tp. Hồ Chí Minh vào làm đầu mối giao thông của quy hoạch thì không có đầy đủ ý nghĩa. Hơn nữa kinh tế của Tp. Hồ Chí Minh vừa thuộc Đông Nam Bộ vừa thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, nếu để ra ngoài thì quy hoạch sẽ rất vướng”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Theo đó, ông đề nghị cần đầu tư mạnh phát triển giao thông cho TP Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long tương xứng với GDP khu vực này đóng góp cả nước.
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, trong những năm qua, nhận thức về vai trò của vùng đối với phát triển của TP Hồ Chí Minh và vai trò của TP Hồ Chí Minh đối với phát triển khu vực này chưa thật toàn diện. Nên trên thực tế chưa phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh hợp tác giữa các bên. Điều này thể hiện qua việc quy hoạch phát triển chưa có tính đồng bộ, phối hợp thiếu chặt chẽ và chưa tập trung vào các dự án trọng điểm mang tính kết nối.
Theo các chuyên gia kinh tế, TP Hồ Chí Minh là lõi của vùng cần định hướng chuyển hóa thành trung tâm của chùm các đô thị có kết nối đa chiều; trong đó, vùng lõi không thể cản trở sự mở rộng của các thành phố bên ngoài. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh cần chủ động tham gia và hợp tác với các bên để mỗi thành tố trong cấu trúc vùng phát triển hiệu quả hơn bằng cách củng cố các hành lang phát triển đến các nơi có tiềm năng cao. Các nhân tố mới như sân bay Long Thành, đường sắt và đường bộ cao tốc kết nối với cảng Thị Vải cần được “đối trọng” bằng đường sắt cao tốc từ trung tâm thành phố đi Long Thành và đến chuỗi đô thị mới.
Từ thực tế trên, để phát huy được thế mạnh của TP Hồ Chí Minh cũng như của các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - đưa vùng đất “Chín Rồng cất cánh”, việc sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy là rất quan trọng, tháo gỡ những nút thắt kết nối giữa TP Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ và khu vực này, qua đó thúc đẩy cả khu vực phía Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa.