Trách nhiệm của thanh niên làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với nông dân

Tại buổi đối thoại lãnh đạo Bộ với Đoàn viên, thanh niên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 2/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp là làm sao chứng minh cho nông dân thấy trên cùng đơn vị diện tích đó, họ có thể có thu nhập cao hơn. Trách nhiệm của thanh niên nông nghiệp là chỉ ra điều đó cho nông dân. 

Phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong, xung kích, sáng tạo của thanh niên trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, thanh niên cần chủ động quảng bá, chứng minh những ý tưởng, sản phẩm nghiên cứu của mình.

Chú thích ảnh
Chị Nguyễn Thị Trâm, xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh khởi nghiệp thành công với mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh minh họa: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Chia sẻ về nguyện vọng của thanh niên, sinh viên, chị Đỗ Thị Kim Hương, Bí thư Đoàn Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm nào cũng tổ chức cuộc thi khởi nghiệp. Học viên đã hình thành ngân hàng ý tưởng khởi nghiệp cho sinh viên. Nhiều sản phẩm của cuộc thi khởi nghiệp trong nông nghiệp đã dành được giải thưởng trong các cuộc thi quốc gia. 

Chị Hương mong muốn khi sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp, sản phẩm được đánh giá cao thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ bố trí một phần kinh phí để dự án đó không còn là ý tưởng mà được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao cho nhiều thanh niên nông thôn.

Bên cạnh đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam từng có đề án đưa giảng viên trẻ, sinh viên tình nguyện về các địa phương khó khăn xây dựng nông thôn mới. Chị Hương cũng mong muốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có sự hỗ trợ để chương trình này có thể tiếp tục hay kinh phí để các viên giảng viên trẻ thực hiện các đề tài tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Qua các đề tài đó sẽ có các sinh viên tình nguyện của trường xuống trực tiếp thực hiện đề tài, góp phần giải quyết các vấn đề về kinh tế, an sinh xã hội.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là nơi đào tạo, cũng là một thị trường. Môi trường đại học là nơi thuận lợi cho môi trường khởi nghiệp, bởi có đầy đủ cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm để thực hành. Mỗi sinh viên chỉ cần mua một sản phẩm khởi nghiệp, thì sẽ có đến 10.000 nơi tiêu thụ, từ đó có những đánh giá xác thực về sản phẩm. 

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thanh niên cần hiểu đúng bản chất của khởi nghiệp. Nhiều trường, giáo viên là người khơi gợi, đưa ý tưởng cho sinh viên là lạc đề. Giáo viên cần kích thích sự sáng tạo của sinh viên, giúp sinh viên xây dựng ý tưởng khởi nghiệp.  

Tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cũng chia sẻ, hiện sinh viên học ngành nghề  nông nghiệp truyền thống rất ít, chủ yếu theo học các ngành như: tài chính, kế toán, công nghệ thông tin… Để thu hút sinh viên vào các ngành nghề trong nông nghiệp, đặc biệt là 8 ngành nghề nông nghiệp chính, Bộ đang làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về các chính sách như: học bổng, miễn học phí… để thu hút sinh viên vào các ngành nghề nông nghiệp.

Trong những năm tới, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, những biến động khó lường của tình hình quốc tế và trong nước, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, mỗi Đoàn viên, thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có tư duy, tầm nhìn mới, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong hoạt động, tạo bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Tính đến tháng 6/2022, 10/10 chỉ tiêu nhiệm kỳ 2017-2022 của Đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đạt và vượt chỉ tiêu. Đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai được 82 công trình thanh niên; trong đó có 1 công trình thanh niên cấp Khối các cơ quan Trung ương; 98 mô hình về trồng trọt, chăn nuôi được hỗ trợ; 52 lớp đào tạo tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, 156 hội nghị, hội thảo; 373 buổi seminal khoa học; 131.200 cây xanh được trồng mới…. Đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã huy động 5,6 tỷ đồng; trong đó hơn 900 triệu đồng hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.

Bích Hồng (TTXVN)
Trà Vinh: Hơn 390 tỷ đồng hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp
Trà Vinh: Hơn 390 tỷ đồng hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Trà Vinh đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế từng vùng sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN