Việt Nam và Ấn Độ có nhiều cơ hội tăng cường hợp tác về dệt may 

Tăng cường hợp tác với Ấn Độ đóng vai trò quan trọng đối với lĩnh vực dệt may của Việt Nam nhằm nâng cao sức cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang làm chao đảo kinh tế thế giới và gây ra những đứt đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây là nhận định chung của các đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến “Thúc đẩy quan hệ kinh doanh Việt Nam-Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may và y tế” do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức vào chiều 10/9. 

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH Hana Kovi Việt Nam (Bắc Giang). Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Hội thảo được chia làm ba phiên, trong đó có phiên khai mạc và hai phiên thảo luận theo chuyên ngành. Sự kiện thu hút khoảng 250 doanh nghiệp, học giả và nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may và y tế. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu khẳng định bức tranh địa chính trị trên thế giới đang chứng kiến những thay đổi to lớn với sự kình địch và cạnh tranh giữa các cường quốc, căng thẳng và tranh chấp trong lĩnh vực an ninh tác động đến vấn đề kinh tế. Các chuỗi cung ứng đối mặt với nhiều thách thức do dịch bệnh, khiến thương mại toàn cầu bị tổn hại. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội tốt để Ấn Độ và Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương, hợp tác và bổ sung cho nhau, qua đó góp phần phục hồi và tăng cường chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực quan trọng. Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ sẵn sàng làm cầu nối quan trọng để các doanh nghiệp hai nước kết nối và trao đổi, đẩy mạnh giao thương.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã đánh giá cao về thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, với tốc độ tăng trưởng trung bình 6-7%/năm. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nước này vẫn được dự báo là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới sẽ ghi nhận mức tăng trưởng dương. Việt Nam cũng là điểm đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được ưa thích với lợi thế hơn 10 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong lĩnh vực y tế, ông Rajav Nath, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp y tế Ấn Độ (AIMED), bày tỏ ấn tượng với Việt Nam về khả năng ứng phó với COVID-19 và nền y tế cộng đồng vững mạnh giúp nước này kiểm soát tốt đại dịch.

Liên quan đến lĩnh vực dệt may, theo ông Ashok Juneja, Chủ tịch Hiệp hội dệt Ấn Độ, đây là một lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch lên đến 36 tỷ USD, gần bằng mức tỷ USD của Ấn Độ. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý về cơ cấu xuất khẩu, nếu Ấn Độ xuất khẩu 16 tỷ USD hàng may mặc và 22 tỷ USD hàng dệt, thì Việt Nam gần như tương phản với việc xuất khẩu tới 31 tỷ USD hàng may mặc và chỉ 5 tỷ USD các sản phẩm dệt. Do đó, hai nước có không gian rộng lớn để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này. 

Theo ông Ashok Juneja, Ấn Độ sở hữu ngành công nghiệp dệt lâu đời, với thế mạnh dựa trên nền tảng sản xuất từ hàng loạt sợi tự nhiên như bông, đay, tơ tằm, len cho đến sợi nhân tạo tổng hợp như polyster, nylon. Lợi thế này sẽ là sự bổ sung quý giá cho Việt Nam, nước phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cho ngành dệt may.

Huy Lê (P/v TTXVN tại New Delhi)
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ hậu COVID-19
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ hậu COVID-19

Ngày 28/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD (PHDCCI) của Ấn Độ đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Xúc tiến thương mại Việt Nam - Ấn Độ: Cơ hội & thách thức hậu COVID-19”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN