Vinatex họp trực tuyến, tìm giải pháp ứng phó dịch COVID-19

Trước tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong ngành dệt may, ngày 25/3, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với 22 đơn vị thành viên và cơ quan điều hành Tập đoàn để đánh giá tình hình và đề ra giải pháp ứng phó.

Chú thích ảnh
Sản xuất hàng may mặc tại xí nghiệp may sơ mi, veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, trong thời gian trung tuần tháng 3/2020 liên tiếp có những đơn hàng bị hủy, dừng khiến công nhân lao động của hầu hết các đơn vị sẽ thiếu việc làm trong tháng 4 và 5/2020.

Theo ông, thương hiệu càng uy tín thì tỷ lệ cắt giảm hàng càng lớn và chưa có tín hiệu thời gian phục hồi. Dự kiến tình hình thị trường nội địa cũng sẽ sụt giảm khi kinh tế tăng trưởng chậm. Mặc dù nhiều nhà máy tại Trung Quốc đã hoạt động trở lại, nhưng cầu thị trường thấp sẽ dẫn tới một đợt giảm giá mạnh trên phạm vi toàn cầu, dự kiến giá giảm trên 20%.

Tình hình này gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam cả về tài chính và lao động. Nếu không có sự điều chỉnh về chính sách, khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ mất khả năng thanh khoản vào cuối tháng 4/2020. Lao động thiếu việc làm từ 30 - 50% trong tháng 4 và 5/2020.

Thiệt hại ước tính với ngành dệt may Việt Nam lên tới trên 5.000 tỷ đồng nếu 30% công nhân thiếu việc làm trong tháng 4/2020 và 50% công nhân thiếu việc làm trong tháng 5/2020.

Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5 tỷ USD nguyên liệu/tháng, nếu giả thiết khách hàng hủy 20% đơn hàng thì ngành có 300 triệu USD vật tư đã nhập về không được sử dụng, tiềm ẩn thành hàng tồn kho khó luân chuyển. Ước tính số hàng tồn kho trong hai tháng 4 và 5/2020 của toàn ngành sẽ mất 50% giá trị, tương ứng khoảng 300 triệu USD.

Tập đoàn đưa ra giả thiết, nếu dịch COVID-19 kết thúc cuối tháng 5 và kinh tế phục hồi từ tháng 6/2020 thì ước tính ngành dệt may Việt Nam thiệt hại 11.000 tỷ đồng và Tập đoàn thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng.

Tại cuộc họp, các giải pháp trọng tâm được Tập đoàn đề ra gồm: tận dụng cơ hội tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu sản phẩm phòng dịch như khẩu trang, quần áo y tế dùng vải kháng khuẩn, quần áo dùng một lần từ vải không dệt; áp dụng chế độ làm việc linh hoạt, giảm giờ làm xuống còn khoảng 32 giờ đến 40 giờ/tuần, làm việc luân phiên trên cơ sở thống nhất với người lao động.

Bên canh đó, tập trung tuyên truyền cho người lao động hiểu thêm về những khó khăn bất khả kháng của doanh nghiệp để cùng chia sẻ, khắc phục; tiết giảm chi phí, hoãn đầu tư, giảm lương khối gián tiếp tương ứng với công nhân trực tiếp...

Cùng đó, đề nghị Chính phủ miễn, hoãn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn…; đồng thời kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành ngay trong tháng 3/2020 cho phép được xuất khẩu khẩu trang, trang phục phòng dịch; miễn, giảm, hoãn các loại thuế, tiền thuê đất, chính sách sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động thiếu việc làm.

Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại gia hạn các khoản vay, không giảm hạn mức, không chuyển loại nợ, cho vay trả lương đối tượng bị thiếu việc làm; làm đầu mối tiếp nhận đơn hàng về sản phẩm phòng dịch, tổ chức phân phối cho các đơn vị có nhu cầu.

Quản lý, điều phối tối đa công suất vải kháng khuẩn dệt kim của 5 Công ty (Dệt Kim Đông Xuân, Dệt Kim Hanosimex, Dệt May Nha Trang, Dệt May Huế, Dệt Kim Đông Phương); thực hiện các thủ tục đăng ký hợp chuẩn sản phẩm y tế bao gồm cả trang phục y tế...

Tại cuộc họp, Lãnh đạo Tập đoàn cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho người đại diện phần vốn Tập đoàn tại 22 đơn vị và thành lập 5 nhóm công tác để nhanh chóng triển khai các giải pháp được đưa ra, với tinh thần tập trung cao, xử lý quyết liệt…

Hằng Trần (TTXVN)
EU, Mỹ không ngưng nhập khẩu dệt may Việt Nam
EU, Mỹ không ngưng nhập khẩu dệt may Việt Nam

Tại cuộc họp chiều 20/3 của Ban chỉ đạo phòng dịch COVID-19 Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, chưa có hạn chế nào của cơ quan chức năng EU, Mỹ về dừng nhập hàng dệt may từ Việt Nam. Đây đơn thuần là quyết định của các nhà mua hàng tại các thị trường này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN