Thế giới trước cuộc đua chưa từng có vào Nhà Trắng:

Bài 2: ‘Tung chiêu’ lấy lòng cử tri, quyết giành phiếu tại 7 bang chiến trường

Trong một cuộc đua mà khoảng cách giữa hai đối thủ vẫn đang cực kỳ sít sao, hai ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa là Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đều đang nỗ lực hết sức tung ra những quân bài chiến lược để thu hút các nhóm cử tri, đặc biệt là số cử tri nhỏ nhưng quan trọng tại các bang chiến trường, nhằm giành được kết quả có lợi trong ngày 5/11 tới đây.

Kinh tế đóng vai trò quyết định

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại siêu thị ở San Mateo, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo một bảng thăm dò của trang Gallup vào đầu tháng 10, kinh tế là mối quan tâm hàng đầu trong tổng số 22 vấn đề mà cử tri Mỹ đã đăng ký cho rằng sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn tổng thống của họ. Cụ thể, có tới 52% cử tri nói rằng kinh tế có ảnh hưởng “cực kỳ quan trọng” đến phiếu bầu của họ, trong khi % cử tri khác đánh giá nền kinh tế là “rất quan trọng”. Điều đó có nghĩa là vấn đề kinh tế có thể là một yếu tố quan trọng đối với 9 trên 10 cử tri. Đây là mức cao nhất từng được ghi nhận kể từ tháng 10/2008 trong cuộc Đại suy thoái, khi 55% cử tri nói điều tương tự.

Giới chuyên gia đánh giá điều này phù hợp với “văn hóa bầu cử Mỹ”, nơi cử tri thường quan tâm nhiều hơn tới những vấn đề liên quan tới lợi ích sát sườn. Chuyên gia phân tích kinh tế chính trị Larry Bartels thuộc Đại học Vanderbilt cho rằng “sức khoẻ” kinh tế có ý nghĩa quyết định đối với lá phiếu cử tri. Một nền kinh tế mạnh và tăng trưởng sẽ tạo lợi thế rất lớn cho ứng cử viên là tổng thống đương nhiệm. Ngược lại, một nền kinh tế yếu trong năm bầu cử sẽ mang lại nhiều hy vọng và cơ hội cho ứng cử viên thách thức.

Xếp sau vấn đề kinh tế là một loạt vấn đề như biến đổi khí hậu, quyền của người chuyển giới, nền dân chủ của nước Mỹ, khủng bố và an ninh quốc gia . Khoảng 10 vấn đề được 31% đến % cử tri đánh giá là cực kỳ quan trọng, bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe, chính sách súng đạn, phá thai, thuế, tội phạm, phân phối thu nhập và của cải ở Mỹ, thâm hụt ngân sách liên bang, ngoại giao và vấn đề chính trị, căng thẳng Trung Đông trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Palestine.

Cũng theo bảng thăm dò trên của Gallup, tính đến thời điểm hiện tại, phần lớn cử tri Mỹ cho rằng cựu tổng thống Trump sẽ làm tốt hơn Phó Tổng thống Harris khi nói tới việc xử lý nền kinh tế (54%), thực trạng nhập cư (54%) và chính sách đối ngoại (52%). Cùng lúc, đa số cử tri ủng hộ nữ ứng viên đảng Dân chủ Harris hơn đối thủ đảng Cộng hòa trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu (61%), phá thai (56%) và chăm sóc sức khỏe (54%).

Chính sách “lấy lòng” cử tri

Chú thích ảnh
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong cuộc vận động tranh cử ở bang Wisconsin ngày 20/8/2024. Ảnh: AA/TTXVN

Cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay không chỉ là về những chương trình chính sách mà còn là về việc ai có thể thu hút được lượng cử tri đông đảo nhất tại những bang then chốt. Sự cạnh tranh gay gắt giữa bà Harris và ông Trump tại 7 bang chiến trường, bao gồm Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Bắc Carolina, Pennsylvania và Wisconsin, sẽ quyết định kết quả chung cuộc.

Rõ ràng với vấn đề luôn chi phối trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ như kinh tế, cả bà Harris và ông Trump đều tìm cách gây ấn tượng với cử tri tại những bang này bằng những chính sách khác nhau để kích thích nền kinh tế.

Trong một sự kiện vận động tại Asheville bang Bắc Carolina – một trong bảy bang chiến địa của cuộc bầu cử sắp tới, ông Trump hứa hẹn cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 sẽ mang lại “một sự bùng nổ kinh tế hoàn toàn mới” nếu ông tái đắc cử. Cựu Tổng thống Trump cam kết giảm giá ô tô, nhà ở, bảo hiểm và thuốc theo toa. Bên cạnh đó, ông Trump hứa sẽ tiếp tục cắt giảm thuế năm 2017 và tuyên bố Mỹ sẽ “trả hết nợ”.

Về phía đảng Dân chủ, bà Harris vẫn đang tăng tốc trong chặng đường nước rút để làm giảm lợi thế của ông Trump về kinh tế. Theo tờ Wall Street Journal ngày 17/10, các thành viên đảng Dân chủ cho rằng Phó Tổng thống Harris vẫn chưa thể thuyết phục được cử tri với tư cách là ứng cử viên tổng thống có thể quản lý nền kinh tế tốt hơn, một nhiệm vụ mà họ cho là rất quan trọng để xây dựng vị thế dẫn đầu tại các bang chiến trường trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Theo các cuộc thăm dò gần đây, mặc dù ứng cử viên đảng Dân chủ đã cải thiện được vị thế của mình trong các cuộc khảo sát, song bà vẫn chưa tạo ra sự kết nối mạnh mẽ với các cử tri về vấn đề kinh tế. Các chiến lược gia của đảng Dân chủ lưu ý rằng bà Harris cần một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn để làm suy giảm lợi thế của ông Trump, đặc biệt là khi cử tri vẫn nghi ngờ về thành tựu kinh tế dưới chính quyền Biden –Harris.

Trong một nỗ lực giành được thêm sự ủng hộ từ khối cử tri quan trọng tại các bang chiến trường trong cuộc bầu cử, ứng viên đảng Dân chủ Harris đã công bố một loạt đề xuất nhằm mang lại cho nam giới là người da màu có thêm nhiều cơ hội kinh tế hơn để phát triển. Phát biểu tại bang Pennsylvania, bà Harris công bố kế hoạch gồm cung cấp các khoản vay kinh doanh có thể xóa nợ cho các doanh nhân da màu, tạo ra nhiều chương trình học nghề hơn, cũng như nghiên cứu thêm về các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến nam giới người Mỹ gốc Phi.

Trong bối cảnh ngày càng sát Ngày Bầu cử, chiến dịch tranh cử của hai ứng viên đều đang chứng kiến một sự thay đổi trong nhóm cử tri ủng hộ, càng khiến cho dự đoán về người chiến thắng trở nên mơ hồ. Phân tích các kết quả thăm dò dư luận mới nhất của Reuters/Ipsos cho thấy, cựu Tổng thống Trump hầu như đã xóa bỏ lợi thế lâu nay của đảng Dân chủ trong số những cử tri nam gốc Latinh trước cuộc bầu cử tổng thống, trong khi bà Harris đã chặn đứng lợi thế lâu dài của đảng Cộng hòa trong số các cử tri da trắng bằng cách chiếm cảm tình của cử tri nữ.

Cơ hội nào cho hai ứng viên tại 7 bang trọng điểm?

Chú thích ảnh
Cử tri xếp hàng bỏ phiếu sớm tại điểm bầu cử ở Atlanta, bang Georgia. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Để trở thành tổng thống, ứng viên tranh cử phải giành được 270 phiếu đại cử tri đáng mơ ước. Hiện bà Harris đang tiến vào cuộc bầu cử với khả năng giành được 226 phiếu đại cử tri từ các bang xanh truyền thống và các bang dao động thiên về xanh, “nhỉnh” hơn so với 219 phiếu đại cử tri tại các bang đỏ truyền thống của ông Trump. Điều đó khiến hai ứng cử viên phải tranh giành 93 phiếu đại cử tri còn lại.

Con đường khả thi nhất để cựu Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng là giành chiến thắng ở Pennsylvania, Bắc Carolina và Georgia, cùng với một phiếu đại cử tri ở Maine, giúp ông đánh bại bà Harris với số phiếu 270-2. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định trong khi Bắc Carolina là bang có phần an toàn hơn với ông Trump do cựu tổng thống từng hai lần liên tiếp giành thắng lợi tại đây thì bang Georgia lại có tới 33% cử tri là người da màu - một lợi thế cho ứng viên đảng Dân chủ Harris.

Về phần mình, con đường chắc chắn nhất để Phó Tổng thống trở thành chủ nhân Nhà Trắng là phủ “bức tường xanh” tại 3 bang Michigan, Wisconsin và Pennsylvania như truyền thống, cộng thêm một phiếu đại cử tri ở Nebraska. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại bà Harris sẽ lặp lại “sai lầm chủ quan” từ bài học của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016. Vào thời điểm đó, do không tập trung củng cố 3 bang chiến địa trên mà ứng viên Hillary đã mất 46 phiếu đại cử tri của bang này vào tay ông Trump khi chỉ kém đối thủ số phiếu phổ thông ít ỏi. Hiện bà Harris vẫn đang gặp thách thức đối với các cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động tại các bang này.

Điểm chung trong con đường vào Nhà Trắng của hai ứng viên là phải giành chiến thắng tại Pennsylvania - bang chiến trường với 19 phiếu đại cử tri. Đa phần dân số Pennsylvania là người da trắng, nhưng các cộng đồng người nhập cư gồm người gốc Latin, người da màu cũng đang gia tăng. Đặc điểm này khiến Pennsylvania gần như cân bằng giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa, cũng như trở thành một bang khó đoán nhất hiện nay, khiến cả hai chiến dịch đều dồn nguồn lực đáng kể cho khu vực này trong chặng nước rút.

Với những diễn biến hiện tại, cuộc đối đầu giữa bà Harris và ông Trump hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều tình huống bất ngờ, khiến cho việc dự đoán kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ càng trở nên kịch tính hơn. Thậm chí, giới quan sát còn cho rằng trong trường hợp kết quả chênh lệch sít sao, nước Mỹ sẽ phải đón chờ cho một cuộc giằng co pháp lý kéo dài.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Bài 1: ‘Thay ngựa giữa dòng’ và cuộc đua nước rút
Bài 1: ‘Thay ngựa giữa dòng’ và cuộc đua nước rút

Việc Tổng thống Joe Biden quyết định chấm dứt nỗ lực tái tranh cử là sự kiện thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận, cũng như làm đảo lộn nhiều toan tính trong cuộc đua vào Nhà Trắng trong một năm bầu cử đầy biến động. Vào thời điểm chỉ còn ít ngày nữa là tới giờ “G”, hãy cũng nhìn lại những gì đã xảy ra trên chính trường Mỹ vốn đầy rẫy biến động trong thời gian qua…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN