Bầu cử Mỹ 2024: Nga muốn ai trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng?

Dù ông Trump hay bà Harris giành chiến thắng, sự thay đổi trong lãnh đạo Nhà Trắng có thể mở ra những cơ hội mới nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho mối quan hệ Mỹ - Nga. 

Chú thích ảnh
Ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump (trái) và ứng viên của đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc tranh luận trực tiếp tại Philadelphia. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 sắp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng và cạnh tranh khốc liệt giữa hai ứng cử viên chính: cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa và Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ. Đối với Nga, kết quả của cuộc bầu cử này không chỉ đơn thuần là một sự kiện chính trị mà còn có thể ảnh hưởng sâu sắc đến mối quan hệ giữa Moskva và Washington.

Nga và cuộc bầu cử Mỹ

Nga từ lâu đã coi trọng kết quả của bất kỳ cuộc bầu cử tổng thống nào tại Mỹ. Theo nhiều phân tích, Moskva có thể đang hy vọng vào chiến thắng của ông Trump, người mà họ tin rằng sẽ chấm dứt chính quyền Dân chủ hiện tại. Tuy nhiên, các nhà phân tích Nga lại cho rằng quan điểm này có phần xa rời thực tế. Họ nhấn mạnh rằng lập trường "không thân thiện" của Mỹ đối với Nga khó có thể thay đổi, bất kể ai trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng.

Về phần mình, chính quyền Nga vẫn giữ khoảng cách, không công khai ủng hộ ứng cử viên nào. Điều này xuất phát từ hậu quả của cuộc bầu cử năm 2016, khi Nga bị Mỹ cáo buộc can thiệp để ủng hộ ông Trump. Cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller sau đó không tìm thấy bằng chứng về sự phối hợp trực tiếp giữa chiến dịch bầu cử của ông Trump và Moskva.

Vào tháng 9 năm nay, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra bình luận trêu chọc về việc Nga muốn bà Harris giành chiến thắng, với lý do là tiếng cười "lây lan" của ứng cử viên đảng Dân chủ này khiến Moskva ưu ái bà hơn. Điều này dẫn đến tuyên bố từ Washington kêu gọi Moskva ngừng bình luận về cuộc tranh cử ở Mỹ, trong khi Điện Kremlin và các quan chức cấp cao của Nga làm rõ rằng đó chỉ là một lời nói đùa.

Quan điểm từ Moskva

Nhà báo Nga Andrey Sitov cho rằng sự khác biệt giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa là rất rõ ràng trong một số lĩnh vực quan trọng. Đối với bà Harris, ông cho biết Phó Tổng thống Mỹ nếu thắng cử sẽ "có sự háo hức của một người mới đảm nhiệm cương vị lãnh đạo cao nhất, sẵn sàng hành động để chứng minh bà ấy phù hợp với vị trí" tổng thống, điều này khiến nhiều người lo ngại về khả năng xảy ra xung đột hạt nhân. 

Ngược lại, ông Trump được coi là một nhân vật không khai mào các cuộc chiến tranh mới và ủng hộ an ninh hạt nhân. Nhà phân tích ngườ Nga Konstantin Kalachev cho biết mặc dù ông Trump không hoàn toàn đáp ứng kỳ vọng của Nga trong nhiệm kỳ đầu tiên, Moskva vẫn hy vọng có thể đạt được sự hiểu biết tốt hơn trong nhiệm kỳ 2 tiềm năng.

Chuyên gia Kalachev cũng chỉ ra rằng ông Trump coi Trung Quốc, chứ không phải Nga, là đối thủ cạnh tranh địa chính trị chính của Mỹ và có thể tìm cách "kéo Nga ra khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc thông qua một số nhượng bộ nhất định".

Một yếu tố quan trọng khác liên quan đến cuộc bầu cử, theo chuyên gia Kalachev, là vụ bê bối xung quanh Hunter Biden, con trai Tổng thống Joe Biden. Ông Hunter từng làm việc cho Burisma, một công ty khí đốt ở Ukraine, trong khi ông Biden là Phó Tổng thống Mỹ dưới thời chính quyền Obama, tham gia vào việc hoạch định chính sách của Mỹ về Ukraine.

Điều đó làm dấy lên lo ngại về xung đột lợi ích, khi những người chỉ trích cho rằng Tổng thống Biden đã sử dụng ảnh hưởng của mình để bảo vệ con trai và Burisma. Một sự kiện quan trọng là việc ông Biden thúc đẩy việc cách chức công tố viên người Ukraine Viktor Shokin, người đang điều tra các cáo buộc tham nhũng, bao gồm cả tại Burisma.

Chuyên gia Kalachev cũng tin rằng lập trường của ông Trump về châu Âu phù hợp với lợi ích của Nga, trong khi những lời chỉ trích trước đây của ông đối với NATO và việc ưu tiên các thỏa thuận song phương hơn hợp tác đa phương cũng phù hợp với quan điểm của Moskva.

Quan điểm của Trump về hợp tác với châu Âu được đánh dấu bằng sự hoài nghi đối với các thể chế như NATO và EU. Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump đã chỉ trích các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Đức, vì không đóng góp đủ cho chi tiêu quốc phòng, thậm chí đôi khi còn gọi NATO là "lỗi thời". 

“Nhưng mặt khác, Trump lại là người dễ xúc động và khó đoán. Bà Harris dễ đoán hơn nhiều, và đó là một điểm cộng”, ông Kalachev nói.

Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Nga Viktor Kozyrev không đồng tình với đánh giá rằng ông Trump sẽ là lựa chọn tốt hơn cho Moskva, cảnh báo rằng chiến thắng của đảng Cộng hòa "có thể làm leo thang xung đột với Nga".

Về quan điểm chính thức của Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhiều lần kêu gọi Mỹ ngừng lợi dụng Nga trong chính trị nội bộ của mình, nhận xét rằng cả hai phe trong chính trường Mỹ đều cạnh tranh để tỏ ra cứng rắn hơn với Moskva.

Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov cũng hạ thấp tầm quan trọng của cuộc bầu cử ngày 5/11 tại Mỹ, nhấn mạnh rằng chính sách của Mỹ đối với Nga sẽ không thay đổi bất kể ai thắng cử vì "nó được quyết định bởi các thế lực sâu xa trong giới cầm quyền Mỹ".

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo AA)
Quan điểm của Nga về sản xuất quốc phòng phương Tây 
Quan điểm của Nga về sản xuất quốc phòng phương Tây 

Nga nhận định các nước phương Tây đang nỗ lực tăng tốc độ và khối lượng sản xuất quân sự, nhưng vẫn gặp nhiều hạn chế về nguồn nguyên liệu, nhân lực, và giá năng lượng cao. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN