CH Séc muốn Anh ở lại EU

Đài phát thanh Praha dẫn kết quả các cuộc thăm dò cho thấy đa số người dân CH Séc không muốn nước Anh rời khỏi hàng ngũ Liên minh châu Âu (EU), còn chính phủ Séc thì lo ngại những hậu quả của Brexit như sự thống nhất châu Âu và phương Tây nói chung bị suy yếu.

Nhiều người Anh lầm tưởng rằng rời EU có lợi cho họ hơn.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 23/6, Tổng thống CH Séc Milos Zeman đã bày tỏ thái độ tiêu cực đối với khả năng Anh rời khỏi EU. Theo ông Zeman, Brexit có thể kéo theo việc trưng cầu ý dân về việc tách Scotland khỏi Vương quốc Anh. Tổng thống Séc cho rằng trong cuộc trưng cầu ý dân có thể diễn ra này, người dân Scotland sẽ bỏ phiếu về việc rút khỏi thành phần Vương quốc Anh, và bước tiếp theo sẽ là xin gia nhập EU.

Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn CTK của Séc trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Anh, Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka nhấn mạnh chính phủ nước này tin tưởng rằng EU sẽ mạnh hơn nếu nước Anh vẫn ở lại liên minh này. Ông Sobotka cũng chỉ rõ rằng hiện nay phương Tây dân chủ đang phải đối mặt với nhiều hiểm họa và “chia nhỏ phương Tây là một sai lầm”. Ngoài ra, Thủ tướng Sobotka cũng bày tỏ lo ngại rằng “ảnh hưởng của bản thân nước Anh với các nước ngoài EU, bao gồm mức độ tác động tới những quyết sách kinh tế và chính trị, sẽ suy giảm đáng kể”. Theo Thủ tướng Séc, việc bó hẹp trong khuôn khổ quốc gia trong bối cảnh những hiểm họa như khủng bố, tình trạng di cư thiếu kiểm soát và biến đổi khí hậu đang đe dọa thế giới phương Tây là điều vô lý.

Chia nhỏ phương Tây – sai lầm lớn


Theo Thủ tướng Sobotka, chính phủ Séc cho rằng hiệp ước về cải cách EU được ký kết hồi tháng 2/2016, trong đó các thành viên có những nhượng bộ đối với Anh, sẽ thuyết phục người dân đảo quốc này ở lại trong thành phần châu Âu thống nhất.

Chia sẻ quan điểm của chính phủ, Trưởng Ban đối ngoại Văn phòng Tổng thống Séc, ông Hinek Kmonicek cho rằng nước Anh cần ở lại EU. Theo ông, tất cả những vấn đề mà nước Anh đang giải quyết hiện nay, sẽ được giải quyết đơn giản hơn nhiều trong khuôn khổ EU so với khi ở ngoài EU.

Giáo sư Petr Kopecky hiện là cộng tác viên của trường đại học tổng hợp Layden (Hà Lan), bày tỏ ngạc nhiên rằng chính nước Anh lại đặt ra vấn đề rút khỏi EU. Theo giáo sư Kopecky, ngay từ lúc gia nhập EU nước Anh đã như một kiểu “con cưng”. Nước này luôn có lập trường phê phán đối với EU, luôn đòi hỏi những đặc quyền đặc lợi trong các quá trình hội nhập và có thái độ bi quan đối với sự hội nhập chính trị. Nếu một người sống tại nước Anh, đặc biệt là tại vùng England, thì người đó rất nhanh chóng nhận thấy rằng đó là một “ốc đảo” xét từ góc độ văn hóa, tâm lý và tinh thần. Và người Anh có thái độ cực kỳ thận trọng đối với EU.

Người nhập cư từ Đông Âu đóng góp to lớn cho kinh tế Anh

Các nhà quan sát nhận xét rằng sự ý tưởng rút khỏi EU gắn liền với vấn đề di cư và khả năng người dân của bất kỳ nước nào trong số 27 thành viên còn lại của EU chuyển tới Anh. Những chủ đề này đan xen trong tâm trí của người Anh chặt chẽ đến mức giới chóp bu chính trị của nước này và chính Thủ tướng David Cameron, người ủng hộ nước Anh ở lại trong thành phần EU, cũng không thể làm thay đổi được.

Lý giải vì sao chính vấn đề di cư lại trở thành chủ đề chính của cuộc trưng cầu ý dân ở Anh, bình luận viên của Đài phát thanh Séc Martin Slezak cho biết, vấn đề này đang thực sự làm nhiều người chán nản, vì thế họ chỉ quan tâm tới những khía cạnh gai góc nhất của vấn đề này, trong khi lại bỏ qua bất kỳ yếu tố tích cực nào mà người nhập cư mang lại. Đồng thời, những nghiên cứu nghiêm túc cũng cho thấy rằng những người nhập cư vào Anh, trước hết là từ Đông Âu, đang đóng góp cho hệ thống xã hội Anh nhiều tiền của hơn rất nhiều so với những gì họ nhận được từ hệ thống này. Tuy nhiên, chủ đề này không được thảo luận công khai, còn báo chí “lá cải” thì khiến người ta tin rằng những người nhập cư Đông Âu cướp mất việc làm của người Anh và làm giảm giá thành lao động trên thị trường Anh. Trên thực tế ở Anh có nhiều người nhập cư đến từ Đông Âu, bởi vì khác với Đức hay Áo, Vương quốc Anh không áp dụng bất cứ thời kỳ quá độ nào hạn chế khả năng nhận được việc làm sau khi các nước Đông Âu gia nhập EU.

Số liệu thống kê cho thấy rằng người nhập cư đến từ Đông và Trung Âu đang giúp nền kinh tế Anh tăng trưởng. Họ không chỉ làm công việc mà người dân địa phương không muốn làm, mà khoản thuế xã hội mà họ phải đóng cao hơn nhiều so với khoản trợ cấp mà họ được nhận. Tuy nhiên, những người có tâm lý hoài nghi châu Âu không quan tâm đến những lập luận này.

Liên quan đến vấn đề này, giáo sư Kopecky chỉ rõ rằng nước Anh cần dòng lao động từ nước ngoài. Ông cho biết, trong một số lĩnh vực, trước hết là lĩnh vực dịch vụ, nước Anh sẽ rất khó khăn nếu thiếu người nhập cư. Vì thế theo ông Kopecky, nếu nhìn vào những con số một cách khách quan, người di cư đến từ Đông Âu là đóng góp to lớn cho nền kinh tế Vương quốc Anh.

Ngọc Mai (P/v TTXVN tại Séc)
Cung bậc cảm xúc người Anh với cuộc bỏ phiếu Brexit
Cung bậc cảm xúc người Anh với cuộc bỏ phiếu Brexit

Cuộc cạnh tranh giữa “đi” hay “ở lại” liên minh châu Âu (EU) của Anh diễn ra vô cùng gay cấn với chênh lệch không quá lớn giữa hai luồng quan điểm. Cuộc trưng cầu ý dân về Brexit được đánh giá mang tầm vóc lịch sử của “xứ sở xương mù” và mỗi công dân Anh lại có một cảm xúc riêng về quyết định của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN