Nga, Ấn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược

Báo “The Hindustan Times” vừa đăng bài viết của giáo sư Gulshan Sachdeva, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu châu Âu thuộc Đại học Jawaharlal Nehru, về quan hệ Nga - Ấn Độ trước thềm chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Ấn Độ.

Tổng thống Nga Putin sẽ thăm chính thức Ấn Độ và tham dự cuộc gặp cấp cao thường niên Nga - Ấn Độ lần thứ 15 trong tháng 12 này. Đây là lần thứ 11 ông Putin tham dự cuộc gặp cấp cao Nga - Ấn, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2000.

Tham mưu trưởng Không quân Nga Viktor Nikolaevich Bondarev duyệt đội danh dự Ấn Độ ở New Delhi ngày 17/11.


Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc gặp với Tổng thống Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) lần thứ 6 được tổ chức tại Brazil hồi tháng 7.

Trong chuyến thăm của ông Putin, lãnh đạo hai nước sẽ bàn thảo các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, trong đó tập trung thảo luận về Dự án Hành lang thương mại Bắc Nam, sự tham gia của Ấn Độ vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), tăng cường sự liên kết của Ấn Độ với Liên minh hải quan Belarus, Kazakhstan và Nga cũng như khả năng xây dựng các đường ống dẫn dầu khí tới Ấn Độ.

Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt sẽ là thúc đẩy sự tham gia tích cực của Nga vào sáng kiến “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ), đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, những bước đi cụ thể trong trao đổi hàng hóa và thương mại, sự liên kết yếu nhất trong quan hệ song phương, cũng sẽ được hai bên tập trung thảo luận.

Trong cuộc gặp cấp cao trước đó, hai nước đã đặt mục tiêu phấn đấu kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỷ USD vào năm 2010 và lên 15 tỷ USD vào năm 2015. Hành động ngay lập tức là cần thiết để giải quyết các vấn đề tồn tại trong hợp tác song phương như sự thiếu thông tin và vấn đề visa cho các công ty Ấn Độ khi tiếp cận thị trường Nga.

Quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Nga đã được nâng lên thành quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt vào năm 2010. Trong 14 cuộc gặp cấp cao kể từ năm 2000 đến nay, hai bên đã ký kết 128 thỏa thuận, Bản ghi nhớ (MoU) và tuyên bố hợp tác trong nhiều lĩnh vực như quốc phòng, công nghệ vũ trụ, năng lượng hạt nhân, dầu khí, thương mại, kinh tế, văn hóa, giáo dục và chống khủng bố.

Tuy nhiên một số tuyên bố hiện vẫn còn trên giấy, do đó vấn đề chính hiện nay là định ra mốc thời gian cụ thể cho các vấn đề hợp tác giữa hai nước.

Nga là nước có lợi thế trong ngành công nghiệp quốc phòng, dầu khí, năng lượng hạt nhân và Ấn Độ đã tạo ra môi trường kinh doanh tốt cho tất cả các lĩnh vực này.

Theo số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế tại Stockholm, trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến 2013, Ấn Độ đã nhập khẩu vũ khí từ Nga trị giá lên tới 32 tỷ USD, chiếm 73% tổng giá trị nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ. Từ năm 2007, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Nga.

Lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự đã phát triển và chuyển dịch theo hướng hai bên hợp tác cùng nghiên cứu và sản xuất, trong đó đáng chú ý là sản xuất tên lửa siêu thanh BrahMos, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và máy bay vận tải đa năng. Máy bay Su30 và xe tăng T90 cũng đang được nghiên cứu, sản xuất tại Ấn Độ theo giấy phép của Nga.

Với sự thay đổi trong sản xuất và mua sắm trong ngành công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ, có dấu hiệu cho thấy Nga đang nóng lòng hợp tác mạnh mẽ với Ấn Độ thông qua sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ”.

Cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, gồm cả các biện pháp trừng phạt kinh tế của các quốc gia phương Tây. Cả châu Âu và Nga đang cố gắng đa dạng hóa nhu cầu năng lượng. Đây là thời điểm thích hợp để Ấn Độ tăng cường hợp tác năng lượng với Nga.

Có thông tin cho rằng Ấn Độ và Nga đang thảo luận về các dự án đường ống dầu khí và thỏa thuận về một cơ chế, theo đó Nga sẽ tạo điều kiện cho Ấn Độ thanh toán các lô dầu nhập khẩu từ Iran. Những sáng kiến này cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong mối quan hệ song phương Ấn Độ - Nga.


Đăng Chính
(P/v TTXVN tại Ấn Độ)
Nga đặt cược vào G20?
Nga đặt cược vào G20?

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sẽ diễn ra trong tuần này tại Brisbane, Australia. Các sự kiện "kịch tính" xung quanh vấn đề Ukraine, việc bị loại khỏi G8 và thái độ của phương Tây đối với Moskva đã buộc Nga phải xem xét G20 dưới lăng kính của cuộc khủng hoảng Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN