Ngày 2/9, tại thành phố Vladivostok (Nga), Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đó là nhận định trong bài viết đăng trên trang mạng của Trung tâm nghiên cứu phương Đông Ba Lan (OSW) của chuyên gia Witold Rodkiewicz về việc cải thiện quan hệ Nga-Nhật.
Theo ông Rodkiewicz, trong cuộc gặp hồi đầu tháng 9 tại Vladivostok (Nga) Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thống nhất chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản của ông Putin sẽ diễn ra vào ngày 15/12.
Thủ tướng Abe cũng tuyên bố Tokyo sẵn sàng tăng cường hợp tác kinh tế với Nga mà không đợi cho tới khi tìm được giải pháp cho tranh chấp quần đảo Kuril. Trong khi đó, Tổng thống Nga không loại trừ khả năng Moskva sẽ chấp nhận thỏa hiệp trong việc giải quyết tranh chấp quần đảo trên trong trường hợp quan hệ kinh tế song phương được củng cố.
Các động thái trên chỉ là một phần trong tiến trình cải thiện quan hệ Nga-Nhật Bản do Thủ tướng Abe khởi xướng từ năm 2013. Tiến trình này bị đóng băng khi Nhật Bản tham gia cùng các nước phương Tây trong việc trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan đến việc sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Tuy nhiên nó đã được khôi phục lại sau chuyến thăm tới Sochi (Nga) của Thủ tướng Abe hồi đầu tháng 5 năm nay. Trong chuyến thăm này Thủ tướng Abe đã đề xuất với phía Nga kế hoạch 8 điểm nhằm tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Đồng thời, Nhật Bản cũng sẵn sàng giúp Nga phát triển vùng Viễn Đông trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị, y tế, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Các tuyên bố và động thái của Nhật Bản cũng cho thấy hiệu quả của chính sách đối ngoại “cây gậy và củ cà rốt” của Moskva đối với Tokyo. Nga luôn phản đối cách tiếp cận của Nhật Bản về việc quan hệ kinh tế song phương phụ thuộc vào việc giải quyết tranh chấp quần đảo Kuril.
Hai bên cần đạt thỏa thuận về vấn đề này trước khi có các động thái tăng cường quan hệ trong lĩnh vực kinh tế. Về phần mình, Moskva lại đưa ra cách tiếp cận theo chiều hướng ngược lại, kết quả hợp tác kinh tế là một trong những điều kiện trong việc giải quyết tranh chấp quần đảo Kuril.
Một mặt, Nga vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo này thông qua việc củng cố cơ sở hạ tầng quân sự, tiến hành các chuyến thăm cấp cao tới khu vực này, trong đó có chuyến thăm của Thủ tướng Dmitry Medvedev. Đồng thời, Nga tăng cường hợp tác quân sự với Trung Quốc.
Mặt khác, Nga cũng cho thấy khả năng chấp nhận thỏa hiệp trong giải quyết tranh chấp đối với quần đảo Kuril và sự quan tâm đối với việc triển khai các dự án hợp tác kinh tế với Nhật Bản. Ông Yuri Trutniev, Phó Thủ tướng kiêm Phái viên Tổng thống Nga tại Viễn Đông đã giới thiệu cho các đối tác Nhật Bản về 29 dự án đầu tư ở khu vực này trị giá 16 tỉ USD.
Sự điều chỉnh chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với Nga xuất phát từ lo ngại về sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc và khả năng hình thành liên minh Nga-Trung. Nhật Bản cũng nghi ngờ rằng Mỹ không thực sự cương quyết trong việc đối phó với nguy cơ này.
Với việc thống nhất về thời điểm Tổng thống Putin thăm Nhật Bản hai bên dường như đã đạt thỏa thuận về việc tăng cường hợp tác kinh tế và củng cố quan hệ chính trị. Vì vậy, nhiều khả năng hai bên sẽ đưa ra chương trình hợp tác kinh tế cụ thể cũng như cách thức nhằm đẩy mạnh việc giải quyết tranh chấp quần đảo Kuril trong chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Putin.