Những bước tiến đầy kỳ vọng của tân chính phủ Ukraine

Trong tháng 7, chính phủ mới của Ukraine sẽ đối mặt với thử thách lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền từ tháng 4/2016 khi phải công bố báo cáo công tác đầu tiên.

Tân Thủ tướng Ukraine Volodymyr Groysman (phải) phát biểu trước các nghị sĩ tại phiên họp Quốc hội ở Kiev ngày 14/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù không được kỳ vọng nhiều song những thành tích bước đầu mà nội các của Thủ tướng Volodymyr Groysman đạt được đã làm gia tăng thêm hi vọng rằng những thay đổi tích cực không phải là không thể có được.

Những bước tiến đáng khích lệ

Hồi tháng 4, không có nhiều người kỳ vọng rằng chính phủ này sẽ có thể làm thay đổi được tình hình trong nước và thúc đẩy những cải cách đang dậm chân tại chỗ. Giới phân tích lo ngại rằng ông Groysman, đồng minh thân cận của Tổng thống Petro Poroshenko, sẽ bị lệ thuộc vào Tổng thống và không thể đảm đương trách nhiệm đưa ra những quyết định cứng rắn do thiếu ý chí chính trị. Một số nhà phân tích còn cho rằng ông Groysman có dính líu tới giới đầu sỏ chính trị, cho rằng ông có thể chẳng quan tâm tới việc thay đổi thực sự đất nước.

Tuy nhiên, ông Groysman đã nhanh chóng hành động để nâng cao tính minh bạch của chính phủ bằng việc yêu cầu tất cả các quan chức nhà nước phải công khai thu nhập trên diễn đàn trực tuyến Prozorro, nơi mọi người dân Ukraine đều có thể kiểm tra cách chính phủ sử dụng ngân sách như thế nào. Bởi vì biết rõ rằng cuộc khủng hoảng chính trị của Ukraine là do chính phủ và quốc hội thiếu sự hiểu biết lẫn nhau và dẫn tới việc người tiền nhiệm của ông là ông Arseny Yatsenyuk phải từ chức, ông Groysman đã có những bước tiến cải thiện quan hệ với các nhà làm luật. Nội các của ông đã xóa bỏ việc đánh thuế lương hưu mà một số lực lượng đối lập trong quốc hội đã yêu cầu từ lâu. Ông cũng bắt đầu tiến trình cải cách bằng việc sửa đổi luật chăm sóc y tế, đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc nhập khẩu và áp dụng các biện pháp nhằm xử lý nạn tham nhũng. Chính phủ cũng khởi động một chương trình tư nhân hóa quan trọng, đưa nhà máy Odessa Portside – nhà máy sản xuất hóa chất lớn nhất Ukraine thuộc sở hữu nhà nước - ra bán đấu giá. Đồng thời, chương trình cải cách ngành năng lượng bị trì hoãn lâu nay cũng được tiến hành, nâng giá khí đốt sử dụng trong hộ gia đình lên nhằm giảm bớt khoản ngân sách khổng lồ được cung cấp cho công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước Naftogaz. Giới phân tích cho rằng việc cải cách năng lượng, bị nhiều người phản đối, là dấu hiệu cho thấy ông Groysman sẵn sàng đưa ra những quyết định không được lòng người nếu chúng tốt cho tổng thể nền kinh tế.

Không như Thủ tướng tiền nhiệm Yatsenyuk, người sau khi lên nhậm chức thực hiện một loạt các chuyến công du nước ngoài, ông Groysman đã tới thăm một số vùng ở Ukraine, gửi một thông điệp rằng ông sẽ tập trung nỗ lực của chính phủ trước hết là vào phát triển vùng và các vấn đề trong nước hơn là chính sách đối ngoại.

Volodymyr Fesenko, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Ứng dụng Penta, nhận xét: “Thủ tướng hiện tại đã chọn chiến thuật đúng – trước hết là xử lý các vấn đề đối nội, như thế sẽ tạo được bàn đạp cho hoạt động của chính phủ”.

Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi sau chuyến thăm tới các vùng, ông Groysman – một trong những cha đẻ của kế hoạch cải cách phi tập trung hóa ở Ukraine – đã nói rằng việc phát triển các vùng và việc chuyển giao thêm quyền lực cho chính quyền địa phương là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.

Chính sách đối ngoại của chính phủ ông Groysman cũng khá dễ dự đoán. Ông đã cam kết thúc đẩy quan hệ giữa Ukraine và phương Tây, và đã tới thăm Mỹ và Đức. Chuyến thăm Mỹ cho thấy nội các của ông dựa vào sự hỗ trợ tài chính từ Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có trụ sở tại Mỹ. IMF đang xem xét việc giải ngân đợt ba khoản tài trợ cho Ukraine.

Người dân mang lá cờ khổng lồ kết hợp các cờ của người Ukrainie, người Crimea và người Tatar trong cuộc minh tinh tại Quảng trường Độc lập ở thành phố Kiev. Ảnh: AFP/TTXVN

Những kế hoạch tương lai đầy tham vọng

Một lịch trình công tác trong vòng 5 năm tới, được công bố hồi tháng 5, đã được thiết kế nhằm đưa ra những thay đổi có ảnh hưởng sâu rộng cho Ukraine. Kế hoạch này bao gồm 5 mục tiêu chính: ổn định kinh tế vĩ mô, tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, xóa bỏ tham nhũng, cải thiện chất lượng dịch vụ công và khôi phục sự an toàn cho người dân.


Những cam kết tham vọng nhất của chính phủ bao gồm cam kết nâng thứ hạng của Ukraine từ vị trí thứ 83 lên 20 trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của World Bank vào năm 2018, đưa sản xuất khí đốt của Ukraine thành tự cung cấp vào năm 2020 và khôi phục hệ thống hạ tầng đường sá vào năm 2021.

Để đạt được mục tiêu, chính phủ đã đưa ra một danh sách dài “những việc phải làm”, trong đó bao gồm những cải cách cơ chế trong các ngành như nông nghiệp, năng lượng, hệ thống xã hội, dịch vụ công cũng như các lĩnh vực thuế và an ninh.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng kế hoạch hành động này có một thiếu sót quan trọng là nó chưa đề ra được một chiến lược rõ ràng và các bước đi cụ thể để thực hiện cải cách. Các chuyên gia cũng cho rằng chính phủ phải đưa ra thời hạn cho việc thực hiện mỗi nhiệm vụ và đặt ra mục tiêu kinh tế vĩ mô để cho kế hoạch trở nên thiết thực hơn.

Ruslan Bortnik, lãnh đạo Viện Phân tích và Quản lý Chính sách Ukraine, nhận xét: “Nên có những con số về ước tính tăng trưởng GDP, lạm phát, tiêu chuẩn xã hội..., các số liệu sẽ cho phép người dân kiểm soát được việc thực hiện kế hoạch”.

TTXVN/Tin Tức
Brexit không thể ngăn Ukraine gia nhập EU
Brexit không thể ngăn Ukraine gia nhập EU

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho rằng việc Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thể ngăn cản Kiev gia nhập EU.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN