Những câu hỏi từ cuộc chiến không giới hạn

Trước sự lớn mạnh nhanh chóng và tàn bạo của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải giở lại trang sử Trung Đông sau chưa đầy 3 năm khép lại.

Máy bay chiến đấu EA-6B Prowler cất cánh từ tàu sân bay USS George H.W. Bush (CVN 77) trong chiến dịch không kích các cơ sở của IS ở Iraq ngày 26/9. Ảnh: AFP-TTXVN


Một chiến dịch quốc tế lớn chống IS đã được phát động với rất nhiều lựa chọn bỏ ngỏ. Mới đây nhất, Mỹ đã đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt là không kích các mục tiêu của IS tại Syria với mục đích nhanh chóng tiêu diệt tổ chức này. Tuy nhiên, hiện có không ít câu hỏi đặt ra về hiệu quả của cuộc chiến không giới hạn hiện nay.

Kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh NATO cho ra đời “liên minh nòng cốt” do Mỹ đứng đầu quy tụ 10 quốc gia sẵn sàng tham gia cuộc chiến chống IS, đến nay, liên minh này đã thu hút hơn 40 nước, gồm cả các nước Arập.

Kể từ sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, đây là lần thứ hai Mỹ tập hợp được một liên minh rộng lớn đến vậy trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, có những sự khác biệt lớn xung quanh chiến dịch chống IS so với các cuộc chiến trước đây của Mỹ ở Trung Đông.

Về mục đích, chiến dịch chống IS được phát động với lý do chống khủng bố. Quyết định của Mỹ không kích các mục tiêu ở Iraq và Syria được đưa ra trong bối cảnh IS ngày càng lớn mạnh, tàn bạo và nguy hiểm, trở thành mối đe dọa không chỉ đối với các lợi ích của Mỹ mà cả khu vực và toàn cầu.

Về thành phần tham gia chiến dịch, dù có tới hơn 40 nước sẵn sàng tham gia diệt trừ IS, nhưng trước mắt chiến dịch này chỉ có sự góp sức của không quân mà không có sự tham chiến của bộ binh. Hiện Mỹ mới chỉ triển khai hơn 100 máy bay chiến đấu các loại phối hợp với máy bay của Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Pháp, Anh và Bỉ tiến hành các đợt không kích nhằm vào mục tiêu của IS ở Iraq và Syria.

Về phạm vi tiến hành, đây là chiến dịch không có giới hạn địa lý do sẽ được điều chỉnh theo phạm vi hoạt động thực tế của IS. Khi phát động chiến dịch này, Tổng thống Obama đã khẳng định: “Không tồn tại một giới hạn nào về địa lý đối với cuộc can thiệp quân sự mới của Mỹ. Ngoài Iraq và Syria, các nước Jordan, Liban, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng là những nơi Mỹ có thể sẽ tiến hành cuộc chiến chống IS”.

Về sự ủng hộ của dư luận, chính quyền của Tổng thống Obama nhận được sự hậu thuẫn rộng rãi của cả dư luận trong nước và quốc tế, nhất là sau khi IS sát hại nhiều người thiểu số Iraq và hành quyết dã man hai nhà báo Mỹ cùng hai nhân viên cứu trợ nhân đạo của Anh, Pháp.

Trong lịch sử nước Mỹ, Tổng thống Obama là nhà lãnh đạo đầu tiên nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối của người dân và các nghị sĩ hai đảng trong lưỡng viện Quốc hội về việc phát động một cuộc chiến mới.

Trên bình diện khu vực và quốc tế, sự ủng hộ đó được thể hiện ở thái độ hợp tác của chính quyền Iraq, sự “làm ngơ” của chính quyền Syria (ít nhất tới thời điểm này), sự đồng lòng của 22 quốc gia thành viên Liên đoàn Arập (AL) vốn được coi là "mắt xích" quan trọng trong cuộc chiến chống IS, và sự đồng thuận của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an khi nhất trí thông qua Nghị quyết về các chiến binh nước ngoài.

Máy bay F-16 của Bỉ chuẩn bị cất cánh tại căn cứ không quân ở Florennes của nước này ngày 26/9. Ảnh: AFP/ TTXVN


Mặc dù Mỹ và liên minh quốc tế chống IS có đầy đủ chứng cứ và sự hậu thuẫn cho chiến dịch hiện nay, song vẫn còn những câu hỏi liên quan đến hiệu quả và hệ lụy mà cuộc chiến có thể gây ra.

Trước tiên là những khó khăn trong việc xác định chính xác các mục tiêu cần tiêu diệt. Không thể phủ nhận một thực tế là các đợt không kích đầu tiên đã đạt được kết quả khi đánh trúng hàng chục mục tiêu trọng yếu của IS, trong đó có các cơ sở lọc dầu do lực lượng này kiểm soát, để chặn đứng nguồn cung cấp tài chính lên tới 2 triệu USD/ngày cho lực lượng này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các mục tiêu tiếp theo của IS sẽ dễ dàng bị phát hiện.

Khó khăn thứ hai liên quan đến kế hoạch viện trợ và vũ trang cho lực lượng đối lập Syria vốn được Mỹ coi là "ôn hòa". Việc xác định thế nào là "ôn hòa" cho đến nay vẫn chưa rõ ràng, trong khi Syria, Iran và Nga lo ngại Washington có khả năng lợi dụng chiến dịch chống IS để lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad - người mà Mỹ đã gạt khỏi liên minh chiến chống IS.

Ngoài ra, thế giới không thể không tính tới những hậu quả nguy hiểm từ "làn sóng hồi hương" của gần 15.000 chiến binh nước ngoài đến từ 80 quốc gia đang chiến đấu trong hàng ngũ của IS. Đáng chú ý trong số này có khoảng 2.000 tay súng đến từ châu Âu, hơn 100 tay súng đến từ Mỹ, cùng một số lượng chưa xác định đến từ Australia, Anh, Pháp, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga,... Các tay súng này sẽ trở thành những “quả bom nổ chậm” ở bất kỳ đâu và vào bất kỳ lúc nào một khi họ trở về nước hoặc quá cảnh tại các nước khác.

Một số nhà phân tích ở Trung Đông cho rằng một chiến dịch kéo dài nhiều năm sẽ không thể đánh bại được IS. Nó thậm chí còn làm cho IS mạnh hơn vì lực lượng này sẽ có thời gian tuyển mộ thêm nhiều tay súng hơn cả số tay súng mà liên minh đã tiêu diệt.

Mặc dù chiến dịch tấn công IS bên trong lãnh thổ Syria đã đạt kết quả ban đầu là đánh trúng các mục tiêu và tránh được thương vong tối đa cho dân thường, song không nên ảo tưởng rằng các chiến dịch này sẽ kết thúc chỉ sau vài tuần, hoặc các mục tiêu tiếp theo cũng sẽ dễ dàng bị phát hiện và bị hủy diệt như trong những đêm đầu tiên.

Giống như quân đội Mỹ, IS cũng sẽ tiến hành đánh giá thiệt hại về mọi mặt. Và giống như al-Qaeda, IS là một tổ chức có khả năng thích ứng: nhóm này sẽ tìm cách phân tán nguồn lực còn lại của mình ở miền bắc và miền đông Syria, đồng thời sẽ đào công sự tiến sát các khu vực dân cư. Điều đó sẽ khiến các chiến dịch oanh kích tiếp theo của Mỹ và các đồng minh Arập trở nên khó khăn hơn.

Một câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu Mỹ có bị sa lầy tại khu vực này hay không? Và nếu bị sa lầy thì chính quyền của Tổng thống Barack Obama có tính đến những khoản chi phí to lớn mà người dân Mỹ phải gánh chịu cũng như nguy cơ trả thù mà người Mỹ phải đối mặt hay không?

Việc sa lầy có thể gây ra những lời chỉ trích và quan ngại từ các nghị sĩ Quốc hội rằng chính quyền Obama hoặc đã diễn giải sai quy mô của hành động quân sự này, hoặc Nhà Trắng đang đẩy nước Mỹ dấn sâu hơn vào một cam kết lâu dài ở Trung Đông.

Ở thời điểm hiện tại, phần lớn dân chúng Mỹ ủng hộ việc tấn công IS ở cả Iraq lẫn Syria, và các nghị sĩ Quốc hội Mỹ cũng gần như nhất trí với quyết định của Tổng thống Obama. Tuy nhiên, giống như tất cả các chiến dịch quân sự của Mỹ từ vài thập kỷ qua, sự ủng hộ có xu hướng bị xói mòn khi chiến dịch kéo dài và khi con số thương vong gia tăng, người Mỹ thường trở nên thiếu kiên nhẫn.

Hơn nữa, trong bối cảnh chính sách đối ngoại của Mỹ bị dàn trải trên nhiều mặt trận, chiến dịch chống IS cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới sự can dự của nước này vào những vấn đề và điểm “nóng” khác trên thế giới.


Vũ Hà
Những thách thức của môi trường an ninh toàn cầu
Những thách thức của môi trường an ninh toàn cầu

Môi trường an ninh toàn cầu thời gian qua đã có nhiều thay đổi, khiến tình trạng bất ổn về địa chính trị ngày càng gia tăng trong bối cảnh các cường quốc khu vực thử nghiệm sức mạnh và khả năng tự do hành động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN