Theo kế hoạch, lễ tiếp đón chính thức Thủ tướng Trudeau cùng phu nhân sẽ diễn ra trong khu vực phía Nam khuôn viên Nhà Trắng, dự kiến vào sáng 10/3, trước khi hai nhà lãnh đạo tiến hành thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm và dự quốc yến vào tối cùng ngày.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau bên lề Hội nghị cấp cao APEC tháng 11/2015 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong ngày cuối cùng của chuyến thăm, nhà lãnh đạo trẻ của Canada sẽ tới đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm quốc gia Arlington, nói chuyện với các sinh viên đại học, các thành viên của một tổ chức nghiên cứu và gặp gỡ một số nghị sĩ cấp cao của Quốc hội Mỹ.
Ông Justin Trudeau là Thủ tướng Canada đầu tiên được Nhà Trắng tiếp đãi trọng thị như vậy kể từ năm 1997, sau chuyến thăm của vợ chồng cựu Thủ tướng Jean Chrétien dưới thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Ông cũng là Thủ tướng đầu tiên của Canada “theo chân” cha mình (cựu Thủ tướng Pierre Trudeau) tới thăm Nhà Trắng và dự quốc yến, hình thức tiếp đón cao nhất của Mỹ dành cho một nguyên thủ quốc gia nước ngoài. Tất nhiên, hai chuyến thăm Mỹ của dòng họ Trudeau cách nhau 39 năm.
Trong chuyến thăm lần này của “Trudeau con”, Nhà Trắng đã lên kế hoạch rất kỹ cho quốc yến, không chỉ về các món ăn mang đậm hương vị và truyền thống của hai nước, mà còn cả về cách thức bài trí và thành phần khách mời danh dự.
Một quan chức phụ trách công tác lễ tân của Nhà Trắng tiết lộ buổi quốc yến sẽ có khoảng 130 người tham dự thuộc nhiều thành phần khác nhau, thể hiện sự tôn trọng của Mỹ đối với văn hóa đa dạng sắc tộc của Canada và tạo ra bất ngờ cho Thủ tướng Trudeau.
“Đây là quốc yến thứ 11 dưới thời Tổng thống Obama và nhiều khả năng sẽ là quốc yến cuối cùng của ông chủ thứ 44 của Nhà Trắng”, một quan chức Tòa Bạch ốc tiết lộ.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là hai nhà lãnh đạo vốn có nhiều điểm tương đồng, đang phát triển tốt đẹp. Lần đầu tiên Thủ tướng Trudeau và Tổng thống Obama gặp nhau là tại Philippines, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Khi đó là vào tháng 11 năm ngoái, không lâu sau khi Chính phủ Tự do của ông Trudeau nhậm chức nhờ chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 42.
Do cùng là những người giành chiến thắng với khẩu hiệu hướng tới sự thay đổi (khẩu hiệu của Obama là “Chúng ta có thể thay đổi” và của Trudeau là “thay đổi thực sự ngay bây giờ”), hai nhà lãnh đạo đã nhanh chóng tìm được tiếng nói chung trong khá nhiều vấn đề quốc tế và quan hệ song phương.
Thậm chí, nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm của Mỹ dường như còn nhìn thấy hình ảnh của mình 7 năm trước trong những hoài bão và hành động của ông Trudeau hiện nay. “Tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng tóc tôi không bạc thế này khi tôi nhậm chức 7 năm trước đây. Thế nên nếu không muốn bạc tóc như tôi thì cậu phải sớm nhuộm đi thôi", ông chủ Nhà Trắng hóm hỉnh nói với Thủ tướng Trudeau giống như một người anh trêu đùa cậu em trai.
Trên thực tế, mặc dù giữa hai nước cũng có một vài vết gợn nhỏ sau khi Tổng thống Obama chính thức khước từ dự án xây dựng đường ống Keystone XL đưa dầu cát từ Canada sang miền Nam nước Mỹ, và việc Canada kiên quyết ngừng sứ mệnh chiến đấu chống IS trong liên minh quốc tế do Mỹ cầm đầu, song nhìn chung quan hệ song phương vẫn đang phát triển theo chiều hướng đi lên.
Đã lâu lắm rồi dư luận hai nước và khu vực Bắc Mỹ mới lại được chứng kiến sự nồng ấm như vậy trong quan hệ Mỹ - Canada, đặc biệt nếu so với thời gian căng thẳng trước đó dưới thời của Chính phủ Bảo thủ Stephen Harper.
Theo các nguồn tin, trong chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về một loạt vấn đề cùng quan tâm từ chống biến đổi khí hậu toàn cầu, chống khủng bố, làn sóng người tị nạn, hợp tác an ninh biên giới, hợp tác ở Bắc cực và quan trọng nhất là thúc đẩy thương mại song phương.
Hiện tại, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Canada với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5 tỷ USD trong năm 2015. Khoảng 75% hàng hóa xuất khẩu của Canada có đích đến là Mỹ và 50% hàng hóa nhập khẩu của nước này là từ Mỹ sang.
Ngoài ra, do hai nước cùng là thành viên Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và đã ký tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nên sẽ càng có rất nhiều nhu cầu và cơ hội tăng cường hợp tác cả về kinh tế lẫn chính trị trong thời gian tới.
Trong tuyên bố trước thềm chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Trudeau, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Stephan Dion khẳng định hợp tác kinh tế và môi trường sẽ là ưu tiên hàng đầu của hai nhà lãnh đạo. Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Canada, việc Bộ trưởng Môi trường Catherine McKenna tham gia thành phần đoàn chính thức thăm Nhà Trắng không phải là sự ngẫu nhiên, và rằng sự suy giảm kinh tế ở châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Brazil đang đặt ra nhu cầu cấp bách tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Canada.
Tuy nhiên, nói như lời một số nhà phân tích, chuyến thăm mới chỉ là “viên gạch” đầu tiên trên cả chặng đường hợp tác song phương Mỹ- Canada và phụ thuộc rất nhiều vào chính phủ mới ở Mỹ sẽ được định hình trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Chặng đường đó có thể có những đoạn thênh thang thoáng rộng, nhưng cũng sẽ có những khúc quanh buộc cả hai bên phải kịp thời điều chỉnh, nhất là khi cần cân đối với các lợi ích đan xen, chồng chéo trong quan hệ chính trị quốc tế ngày càng phức tạp hiện nay.