Theo bình luận của kênh truyền hình Pháp France 24 (france24.com) ngày 23/2, bất chấp những đòn trừng phạt nặng nề của phương Tây áp đặt với Moskva, nền kinh tế Nga năm 2022 chỉ suy giảm nhẹ. "Khả năng phục hồi" của nền kinh tế Nga cũng đã được Tổng thống Vladimir Putin ca ngợi trong bài phát biểu hồi đầu tuần này.
Nhanh chóng thích nghi
Nền kinh tế Nga đang thích nghi, khác xa với "sự sụp đổ" mà Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire dự đoán sau làn sóng trừng phạt đầu tiên của phương Tây ngay khi xung đột ở Ukraine bùng nổ. Theo cơ quan thống kê Rosstat (Nga), GDP nước này chỉ suy giảm 2,1% trong năm 2022. Đối với năm 2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thậm chí còn dự đoán kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 0,3%.
"Chúng tôi đã đảm bảo sự ổn định tình hình kinh tế và bảo vệ công dân của chúng tôi", Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong bài phát biểu hôm 21/2, đồng thời tuyên bố rằng phương Tây đã thất bại trong việc "làm mất ổn định xã hội Nga".
Khả năng phục hồi của nền kinh tế Nga chủ yếu là do giá dầu và khí đốt tăng cao vào năm 2022, bù đắp cho sự sụt giảm khối lượng xuất khẩu (giảm khoảng 25% đối với khí đốt). Từng là một trong những đối tác thương mại chính của Nga, EU đã tìm cách giảm 55% lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Moskva, với mục đích hạn chế nguồn thu của Điện Kremlin.
Để khắc phục thâm hụt, Nga đã chuyển sang những khách hàng mới, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc. Theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, việc cung cấp khí đốt của Moskva thông qua đường ống dẫn khí “Power of Siberia” đã tăng 48%.
Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ hai, ngành công nghiệp vũ khí cũng góp phần vào việc duy trì hoạt động kinh tế. "Ngành vũ khí đã chứng kiến sự gia tăng mạnh về sản lượng. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy một số chi nhánh của tổ hợp công nghiệp - quân sự đã thành công trong việc thích nghi. Ví dụ, có những nhà máy hoạt động 24/24", David Teurtrie, giảng viên cao cấp về khoa học chính trị tại Học viện Công giáo Vendée ở miền Tây nước Pháp nhận định.
Một lĩnh vực thế mạnh khác của nền kinh tế Nga, theo Tổng thống Putin, là nông nghiệp. Ông Putin cho biết: “Đến ngày 30/6/2023, chúng tôi sẽ có thể đưa tổng khối lượng xuất khẩu ngũ cốc lên 55 - 60 triệu tấn”.
Khí đốt, dầu mỏ, tài chính, thương mại, công nghệ... tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Nga đều bị ảnh hưởng bởi các đợt trừng phạt liên tiếp của phương Tây. Tuy nhiên, các công ty Nga đang chứng minh sự thích nghi của họ. Ví dụ, sau khi bị loại hệ thống SWIFT, các ngân hàng Nga đã dựa vào các bên trung gian để né trừng phạt.
Hàng hóa phương Tây cũng dễ dàng được nhập khẩu thông qua các nước thứ ba như Kyrgyzstan, Armenia hoặc Gruzia, để cung cấp cho ngành công nghiệp Nga. Ngành công nghiệp thực phẩm, bán lẻ cũng được phục hồi nhờ sự mở rộng của các công ty địa phương thay thế các thương hiệu phương Tây, như Pepsi hay Coca-Cola.
"Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, chúng tôi đã trải qua ít nhất 4 cuộc khủng hoảng lớn. Chúng tôi đã quen với các vấn đề và thành thật mà nói, đây không phải là điều tồi tệ nhất mà chúng tôi phải đối mặt", Yuri Saprygin, một doanh nhân đến từ thành phố Kaluga, miền Trung nước Nga cho biết.
Đối mặt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, doanh nhân Saprygin lưu ý Nga buộc phải thay thế một số mặt hàng từ châu Âu bằng hàng của Nga và Trung Quốc. "Thật không dễ dàng, nhưng chúng tôi không bao giờ ngừng hoạt động kinh doanh của mình", doanh nhân có công ty bán thiết bị y tế cho các phòng thí nghiệm trên nói.
Thách thức thời gian tới
Trong khi nền kinh tế Nga hiện vẫn đứng vững, nó dường như sẽ bị suy yếu về lâu dài và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn, do tác động của một số biện pháp trừng phạt vẫn chưa được cảm nhận và thời gian sẽ trả lời. Đó là trường hợp trừng phạt dầu mỏ, nguồn thu nhập chính của ngân sách Nga.
Kể từ tháng 12 năm ngoái, lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô của Nga có hiệu lực đi kèm với việc áp trần giá dầu được vận chuyển bằng đường biển. Kể từ ngày 5/2 năm nay, các cơ chế tương tự được áp dụng cho các sản phẩm dầu tinh chế.
Những lệnh cấm vận này có thể ảnh hưởng đáng kể đến ngân sách của Nga. “Đây mới chỉ là khởi đầu. Các lệnh trừng phạt đối với Nga giống như một cuộc chạy đua đường dài hơn là chạy nước rút. Trong những tháng tới, Moskva sẽ cần phải giải một thách thức lớn để dồn nguồn lực cho cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời duy trì các khoản trợ cấp xã hội đủ cao để tránh tình trạng bất ổn", chuyên gia Agathe Demarais, Giám đốc dự báo toàn cầu tại Economist Intelligence Unit lưu ý.
Tuy nhiên, chuyên gia Demarais cũng thừa nhận: “Giá dầu thấp hơn chắc chắn có tác động đến ngân sách Nga, nhưng thị trường sẽ ổn định. Nga vẫn còn lâu mới bị tê liệt về kinh tế như phương Tây đã hy vọng và có nhiều cách để hạn chế các lệnh trừng phạt: dự trữ tài chính khổng lồ và nợ tương đối thấp, mang lại cho nước này khả năng vay mượn đáng kể”.
Trên thực tế, không phải tất cả các lĩnh vực của Nga đều bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt theo cùng một cách. Phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu điện tử, lĩnh vực công nghệ Nga đang phải chịu gánh nặng từ lệnh trừng phạt của phương Tây đối với chất bán dẫn, vốn thiết yếu cho ngành công nghiệp quân sự và hàng không, và thậm chí cho lĩnh vực ô tô.
Ngành ô tô của Nga là một trong những ngành gặp khó khăn nhất do lệnh trừng phạt. Theo Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu (AEB), số lượng ô tô được bán ra vào năm ngoái đã giảm gần một triệu xe so với năm 2021, tương ứng với mức giảm 59%.
Con số này không chỉ nói lên nhiều điều về tác động của các biện pháp trừng phạt mà còn về sự suy giảm sức mua của người dân Nga, những người giống như tất cả người dân châu Âu phải chịu mức lạm phát cao.
Trong khi đó, một số nhà quan sát và chính trị gia phương Tây nghi ngờ các số liệu thống kê chính thức do Nga cung cấp. Phản ứng với số liệu GDP của Nga, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết "nền kinh tế Nga đang chịu nhiều tổn thất”.
Một số chỉ số quan trọng, chẳng hạn như dữ liệu ngoại thương, không còn được Điện Kremlin công bố. Chuyên gia Demarais nói: “Có lẽ điều này là để ngăn phương Tây tuyên truyền về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt”.
Ngoài ra, hơn 300.000 người Nga đã được huy động cho cuộc xung đột ở Ukraine và hàng trăm nghìn người Nga được cho là đã rời khỏi nước này trong 12 tháng qua. Tình trạng đó có thể ảnh hưởng đến năng suất lao động của Nga trong dài hạn.