Tình hình Syria xoay chuyển choáng váng
Trong nhiều năm, bản đồ chiến lược của Mỹ về Trung Đông được định hình với sự thống trị của Iran ở trung tâm quyền lực của "lưỡi liềm Shia", với Syria được cho là kênh vận chuyển vũ khí được các nhóm vũ trang sử dụng để tấn công Israel và là nơi có sự hiện diện của hải quân và không quân Nga trong khu vực.
Tuy nhiên, khi chính phủ Syria sụp đổ với tốc độ đáng kinh ngạc vào cuối tuần sau hơn nửa thế kỷ nắm quyền, phá vỡ một yếu tố quan trọng khác của “lưỡi liềm”, giới chức tình báo Mỹ đã bị bất ngờ. Mới chỉ vào đêm 6/12, các quan chức cấp cao ở Washington D.C còn nghĩ rằng Tổng thống Bashar al-Assad có cơ hội tương đối ngang bằng để nắm giữ quyền lực.
Nhưng Washington đã thức dậy vào sáng 8/12 với một thực tế mới. Có lẽ đây là sự xáo trộn quan trọng nhất trong 14 tháng qua, kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào ngày 7/10/2023 đã gây ra một làn sóng trả đũa dữ dội làm thay đổi động lực quyền lực của cả khu vực.
Xem video quang cảnh thủ đô Damascus sau khi lực lượng nổi dậy kiểm soát thành phố (Nguồn: Reuters)
Lúc này, với việc Tổng thống Assad bị lật đổ, hai câu hỏi cấp bách và liên quan đang lan truyền khắp Washington, chỉ sáu tuần trước lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Donald Trump — một thế giới rất khác so với khi ông rời nhiệm sở chỉ bốn năm trước.
Trước hết, liệu quân nổi dậy có đuổi người Iran và người Nga khỏi lãnh thổ Syria như một số nhà lãnh đạo của họ đã đe dọa không? Hay, vì chủ nghĩa thực dụng, họ sẽ tìm kiếm một số loại thỏa hiệp với hai cường quốc đã từng hỗ trợ chống lại chính họ trong một cuộc nội chiến kéo dài?
Và liệu người Iran — vốn đã bị suy yếu vì mất Hamas và Hezbollah, và bây giờ là chính quyền Assad — có kết luận rằng con đường tốt nhất của họ là mở một cuộc đàm phán mới với ông Trump? Hoặc, thay vào đó, họ sẽ chạy đua để có được một quả bom hạt nhân, vũ khí mà một số người Iran coi là tuyến phòng thủ cuối cùng của họ trong kỷ nguyên dễ bị tổn thương mới?
Có thể phải mất nhiều tháng nữa thì câu trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào trong số này mới trở nên rõ ràng. Nhưng diễn biến tiếp theo có thể quyết định liệu 8/12 có phải là ngày khởi đầu cho một cuộc tái thiết, hay là khúc dạo đầu cho nhiều hành động quân sự hơn không.
Sự mơ hồ về ban lãnh đạo Syria mới
Trước khi Damascus sụp đổ, thủ lĩnh của Hayat Tahrir al-Sham, nhóm phiến quân dẫn đầu các cuộc tấn công chớp nhoáng vào chính phủ của ông Assad, đã nói với phóng viên CNN rằng "cuộc cách mạng đã chuyển từ hỗn loạn sang cảm giác trật tự".
Nhưng thủ lĩnh Mohammad al-Jolani, người vẫn đang bị giới chức Mỹ truy nã như một phần tử khủng bố, hiện chưa đưa ra dấu hiệu nào về cách nhóm này có thể sẽ điều hành đất nước. "Điều quan trọng nhất là xây dựng các thể chế", ông Jolani nói, ám chỉ rằng hiện tại ông muốn một xã hội mà những người Syria phải di dời muốn trở về và xây dựng lại cuộc sống. "Không phải là xã hội mà một người cai trị duy nhất đưa ra các quyết định tùy tiện", thủ lĩnh nổi dậy nhấn mạnh.
Một vấn đề quan trọng khác là quản lý khoảng trống quyền lực sau khi chính phủ ông Assad sụp đổ, và việc đảm bảo rằng Syria không trở thành một quốc gia khủng bố theo một cách khác hoặc một quốc gia thất bại, như với Libya sau khi Muammar Gaddafi bị phế truất và bị giết chết 13 năm trước.
Tổng thống Biden, mặc vest và cà vạt xanh, đứng trên bục phát biểu. Cờ Mỹ và cờ tổng thống ở phía sau ông, và một bức tranh Tổng thống Theodore Roosevelt cưỡi ngựa treo ở phía sau. Ảnh: New York Times
Tổng thống Biden cũng thừa nhận như vậy sau khi tuyên bố từ Phòng Roosevelt của Nhà Trắng vào chiều 8/12 rằng "khoảnh khắc cơ hội" trước thế giới của Syria "cũng là khoảnh khắc rủi ro và bất ổn, khi tất cả chúng ta đều hướng đến câu hỏi về những gì sẽ xảy ra tiếp theo".
"Đừng nhầm lẫn, một số nhóm phiến quân đã lật đổ ông Assad có hồ sơ khủng bố và vi phạm nhân quyền của riêng họ", ông Biden nói. Nhà lãnh đạo Mỹ lưu ý rằng các thủ lĩnh như ông Jolani "đang nói những điều đúng đắn ngay bây giờ, nhưng khi họ đảm nhận trách nhiệm lớn hơn, chúng tôi sẽ đánh giá không chỉ lời nói mà cả hành động của họ".
Vai trò của Mỹ và Nga
Tuy nhiên, đánh giá đó phần lớn sẽ thuộc về chính quyền của ông Trump. Và nó sẽ kiểm tra ý nghĩa của các bài đã đăng trên mạng xã hội của ông rằng chiến lược tốt nhất là Mỹ nên đứng ngoài cuộc.
Ông Trump khó có thể có được sự “xa xỉ” đó. Nước Mỹ đã duy trì lực lượng quân sự gồm 900 người ở miền đông Syria, truy lùng và tấn công các phần tử IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng). Và trong khi chủ trương của ông trong nhiệm kỳ đầu là rút lui, ông Trump đã được các cố vấn quân sự thuyết phục rằng việc Mỹ rút khỏi căn cứ Syria có thể làm tê liệt nỗ lực kiềm chế và đánh bại lực lượng IS.
Hôm 8/12, khi ông al-Assad chạy ra nước ngoài, lực lượng Mỹ tại Syria đã nhắm mục tiêu vào các cuộc tụ tập của các chiến binh IS, thả bom và tên lửa trong nỗ lực chống khủng bố mà các quan chức cho biết không liên quan đến sự sụp đổ của Damascus. Một quan chức chính quyền cấp cao đã nói với các phóng viên vào cùng ngày rằng đó là một "cuộc tấn công quan trọng".
Và cho dù ông Trump có thừa nhận hay không, Mỹ vẫn có lợi ích rất lớn trong việc lực lượng Nga duy trì hay bị trục xuất khỏi cơ sở hải quân của mình tại Tartus, cảng Địa Trung Hải duy nhất của nước này, phục vụ sửa chữa và hỗ trợ tàu chiến Nga.
Natasha Hall, một chuyên gia về Syria tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho biết: "Đối với Nga, Syria là viên ngọc quý của bệ phóng để họ trở thành một cường quốc trong khu vực, một khu vực theo truyền thống là phạm vi ảnh hưởng của Mỹ".
Trong kỷ nguyên của những cuộc chiến tranh lạnh mới, nơi Nga đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình, khả năng Moskva có thể mất quyền tiếp cận Syria vĩnh viễn có thể mang lại lợi thế chiến lược to lớn cho Mỹ. Đây cũng sẽ là một phép thử thú vị ban đầu về cách ông Trump đối phó với Nga, tại thời điểm mà các cuộc đàm phán về số phận của Ukraine có thể sắp bắt đầu.
Câu hỏi về Iran
Nhưng câu hỏi lớn hơn là Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ xử lý Iran như thế nào. Trong những tuần gần đây, ông đã bày tỏ sự quan tâm đến một cuộc đàm phán mới với Tehran, 6 năm sau khi ông chấm dứt thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với quốc gia này. Người Iran cũng đã thể hiện một số sự quan tâm đến việc tham gia — mặc dù không rõ họ có sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân mà họ đã đầu tư rất nhiều trong vài năm qua hay không.
Rủi ro là các nhà lãnh đạo Iran có thể quyết định rằng đất nước đã quá suy yếu - các lực lượng ủy nhiệm của họ bị tê liệt, con đường vận chuyển vũ khí qua Syria bị đe dọa, hệ thống phòng không của họ bị xóa sổ trong các cuộc tấn công gần đây của Israel - đến mức họ cần một vũ khí hạt nhân hơn bao giờ hết.
Rõ ràng là giới lãnh đạo Iran đang chịu áp lực, và sự sụp đổ của một đồng minh lâu năm như ông al-Assad có thể khiến một số nhà lãnh đạo ở Tehran lo lắng. Liệu sự bất an mới đó có khiến họ đàm phán để thoát khỏi tình trạng khó khăn hay có được vũ khí sinh tồn cuối cùng hay không, đây vẫn là một trong nhiều điều bí ẩn ở phía trước.