"Tình hình chiến sự" miền Đông Ukraine dường như đang nóng lên từng ngày. Các phương tiện thông tin đại chúng cho biết lực lượng ly khai các tỉnh miền Đông Ukraine mang theo cờ Nga ngày 15/4 đã tấn công và chiếm lĩnh sân bay Kramatorsk. Chính quyền lâm thời Ukraine đã phải điều máy bay chiến đấu chở theo binh sẽ tới sân bay ngoại ô này nhằm thiết lập lại quyền kiểm soát và giao tranh đã nổ ra giữa hai phe phái.
Những người ly khai nổ súng vào chiến đấu cơ của quân chính phủ trong khi chiếc máy bay này cố gắng hạ cánh, và sau đó chính họ lại bị khống chế và mất quyền kiểm soát. Quân nổi dậy còn chiếm giữ Tòa Thị chính và một số tòa nhà hành chính khác tại Kramatorsk. Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov cùng ngày tuyên bố "Hoạt động chống khủng bố sẽ được tiến hành theo từng giai đoạn một cách có trách nhiệm và cân bằng".
Có thể thấy rõ tình hình miền Đông Ukraine căng thẳng từng giờ, trong khi lịch trình các cuộc đàm phán tiếp tục được đề xuất với cả hai phía ở Ukraine.
Tại Donetsk, quân nổi dậy tăng cường mở rộng chiếm giữ các tòa nhà hành chính, gia cố rào chắn chặn mọi ngả đường tiến vào trung tâm thành phố. Cựu nữ thị trưởng thành phố Slaviansk (thuộc tỉnh Donetsk) Nelia Shtepa trước khi "đào tẩu" khỏi thành phố, do bị Cơ quan tự quản thành phố bãi nhiệm, đã tuyên bố buộc tội "người Nga đứng đằng sau" các cuộc giao tranh khiến máu của cả hai phe đã đổ.
Nữ chính khách này cho rằng "Những người đàn ông mặc đồng phục ngụy trang, không mang phù hiệu, thực chất đến từ Crimea và Nga". Trong khi đó, phát biểu với hãng tin Itar-tass, quyền Thị trưởng kiêm Chỉ huy Lực lượng tự vệ thành phố - ông Vyacheslav Ponomaryov cho biết, Slaviansk đã bị lực lượng quân đội chính phủ bao vây. Ông này cho biết "Đoàn quân hùng hậu Ukraine đang rầm rập tiến vào Slaviansk".
Xe thiết giáp xuất hiện tại Kramatorsk ngày 16/4. Ảnh: Reuters |
Bế tắc cũng đang diễn ra tại một loạt thành phố miền Đông khác của Ukraine. Những bẫy tăng ở thành phố biển Odessa lần đầu tiên tái xuất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sở Nội vụ Odessa khẳng định khuyến khích các tình nguyện viên gia nhập hàng ngũ cảnh sát đặc nhiệm, nhằm tăng cường tuần tra đường phố.
Ngay sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine lan rộng, Thủ tướng Đức Angela Merkel thậm chí đã tuyên bố rằng các cuộc đàm phán với giới chức Nga làm dấy lên ký ức khó chịu về Lực lượng mật vụ "Stasi" (Cơ quan An ninh Quốc gia Đông Đức). Bà Merkel cũng chia sẻ rằng chỉ ít ngày sau khi Crimea trở về Nga, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin tỏ ra thật "khó lường", ông như "người sống trong một thế giới khác". "Bà đầm thép" của nước Đức cương quyết tuyên bố sẽ áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất, có thể gây thiệt hại nền kinh tế Nga "ở mức độ nghiêm trọng chưa từng có" nếu Nga tiếp tục di chuyển vào miền Đông Ukraine.
Mặt khác, để làm đối trọng với Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ tái khởi động Chương trình triển khai Hệ thống lá chắn tên lửa (NMD) tại Séc và Ba Lan, bỏ qua cơ hội gia tăng áp lực đối với Iran. Để hạn chế sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, nước Mỹ cũng đang đẩy mạnh phát triển công nghệ sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và công nghệ này đang được phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Điều này thực sự sẽ là một sự thay thế quyền bá chủ trong lĩnh vực năng lượng khí đốt của Nga trong tương lai. Trong khi đó, tờ Washington Post cho biết: "Mỹ đang tìm kiếm thời điểm thích hợp để áp đặt lệnh trừng phạt mới chống Nga".
Thực tế, khi tiếp nhận Crimea "trở về", Moskva hoàn toàn không mong muốn sự việc diễn tiến như ngày hôm nay. Nga cũng tuyên bố rút hết quân đội khỏi biên giới Ukraine, song tình hình phía Đông Ukraine leo thang căng thẳng với những diễn biến khó lường, phức tạp - các lực lượng ủng hộ Nga đòi hỏi một chế độ tự trị hơn cho chính quyền khu vực miền Đông, cũng như thành lập nhà nước liên bang Ukraine. Thực tế ấy khiến Nga không thể không chủ động kêu gọi quốc tế chung tay giải quyết tình hình Ukraine. Đề xuất thành lập Nhà nước liên bang Ukraine của Nga chính là ý tưởng mang hơi hướng nhượng bộ ấy. Cuộc đàm phán bốn bên gồm Ukraine, Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), dự kiến diễn ra tại Geneva vào ngày 17/4 cũng thể hiện thiện chí của Nga. Tuy nhiên, Nga cũng nêu điều kiện chính quyền tự xưng ở Kiev không được can thiệp vũ trang nhằm vào các lực lượng ủng hộ Nga ở miền Đông và miền Nam Ukraine.
Trong khi đó, Nga đã quyết định hiện đại hóa căn cứ không quân Cận vệ (Gvardeyskoye) ở Simferopol (Crimea) để có thể tái bố trí các máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 tại đây. Thời gian dự kiến sẽ mất khoảng 2 năm để hoàn tất và Tu-22M3 sẽ bắt đầu được đưa tới từ năm 2016. Tu-22M3 từng gây nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với Mỹ và phương Tây. NATO phân loại một trong những phiên bản máy bay ném bom tầm xa siêu thanh trang bị tên lửa và có cánh cụp cánh xòe này là Backfire. Tổng khối lượng bom (bao gồm cả bom nguyên tử và bom thông thường) mà máy bay có thể mang theo là 24 tấn. Máy bay có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết bất kể ngày đêm. Ngoài ra Nga cũng trang bị tên lửa hành trình đủ để "vươn dài" toàn bộ lãnh thổ của Tây Âu, trong đó có cả Anh.
Các nhà quan sát quốc tế không khỏi lo ngại khi cho rằng một cuộc Chiến tranh Lạnh đang ở rất gần, một khi phương Tây và Mỹ đẩy mạnh lệnh trừng phạt Nga. Trong khi đó Nga cũng tăng cường hàng loạt chuyến thăm tới các đồng minh Belarus, Iran, Azerbaijan…, nhằm đẩy mạnh “trục đồng minh” về phía Đông, đó là trục Moskva - Tehran - Bacu - Minsk và có khi còn kéo dài đến Bình Nhưỡng (nếu có thể).
Bất luận cuộc đàm phán ngày 17/4 diễn biến ra sao, song tình hình Ukraine vẫn tiếp tục leo thang căng thẳng, các cuộc đụng độ liên tiếp xảy ra, bất chấp việc Nga đã từng tuyên bố sẽ không tham gia cuộc đàm phán bốn bên, nếu Ukraine động binh đàn áp người dân ủng hộ Nga đang đòi ly khai. Tổng thống Putin cũng đã không chỉ một lần tuyên bố cáo buộc Mỹ và phương Tây cố tình can thiệp làm cho tình hình Ukraine thêm bất ổn. Nhiều chính khách Nga thậm chí còn tuyên bố "Mỹ châm ngòi cho cuộc nội chiến tại Ukraine". Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban về các vấn đề dân tộc của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Valery Rashkin cho biết: "Những người di cư (gốc Nga ở miền Đông Ukraine) đã sẵn sàng đổ máu cho nước Nga". Thực tế máu đã đổ ở miền Đông Ukraine và nguy cơ cả châu Âu, Nga và Mỹ bị kéo vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang ngày càng hiện hữu.
Cộng đồng quốc tế chờ đợi, hy vọng cuộc đàm phán tại Geneva ngày 17/4 có thể đưa ra giải pháp làm hòa dịu những cái đầu đang nóng, đem lại thanh bình không chỉ cho đất nước và người dân Ukraine.
Quế Anh