... Đến thế giới gần đây và 5 - 10 năm tới
Từ những năm cuối của thập kỷ thứ nhất và bước sang những năm đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ này, tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp hơn mà nổi lên là mấy đặc điểm rất đáng chú ý là:
Thứ nhất, nền kinh tế - tài chính và sản xuất của thế giới lâm vào cảnh sa sút và khủng hoảng nặng nề liên tục từ các năm cuối của thập kỷ trước đến nay. Cuộc khủng hoảng này không chỉ làm cho các nước nhỏ yếu về kinh tế phải điêu đứng mà đến cả các ông trùm kinh tế - tài chính thế giới như Mỹ, Nhật Bản, EU cũng thất điên bát đảo khiến cho cả chính quyền Barack Obama cũng phải ngừng hoạt động trong nhiều ngày vì không có tiền chi tiêu; nước Nhật Bản từ vị trí kinh tế thứ hai thế giới phải tụt xuống vị trí thứ 3 sau Trung Quốc đang vươn lên; khối EU, hay còn gọi là khối các nước sử dụng đồng euro vừa không sao tạo ra được sự thống nhất trong toàn khối, vừa phải ra sức tìm kiếm nguồn tiền để cứu các nước thành viên như Hy Lạp, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đứng trên bờ vực phá sản và nợ xấu ngập đầu. Dù cho các nước mạnh của khối này như Đức, Anh, Pháp có cố gắng đến mấy cũng khó mà vực các nước kia lên được một cách chắc chắn, lâu dài.
Thứ hai, các nước lớn trong khối các nước tư bản do Mỹ - Nhật - EU đứng đầu trước đây đang phải gắng sức để cạnh tranh và ngăn chặn sự trỗi dậy của nhiều nước lớn khác trong khối các nước đang phát triển, trong đó họ đáng gờm nhất là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc sau hơn 35 năm cải cách mở cửa với việc thực hiện chủ trương 4 hiện đại; việc nước Nga sau khi Liên Xô sụp đổ, Boris Yeltsin phải nghỉ để nhường chức cho Tổng thống Vladimir Putin lên cầm quyền đã củng cố và xoay chuyển nước Nga từ tình trạng gần như sắp sụp đổ để đứng dậy thành một nước Nga hùng cường gần như thời Liên Xô siêu cường trước đây, ngang nhiên thách thức cả Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu. Rồi sự ra đời của các nhóm nước mới trỗi dậy như Tổ chức hợp tác Thượng Hải gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và nhiều nước quan sát viên khác, trong đó có cả Ấn Độ, Pakistan, Iran, Mông Cổ..., sự hình thành của khối nước BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Gần đây lại đang hình thành cả nhóm Liên minh hải quan Á - Âu gồm Nga - Belarus - Kazakhstan chiếm tới 80% diện tích của Liên Xô trước đây, với một khối dân số gồm hàng trăm triệu người và năng lực địa - chính trị và kinh tế khá mạnh.
Ba là, việc xử lý các vấn đề nổi lên của thế giới không thể theo ý muốn chủ quan của bất kỳ một nước nào mà phải có sự góp mặt của nhiều nước, tạo thành một sự ràng buộc khó mà một bên nào có thể định đoạt được mà cần phải có một sự thương thảo khéo léo và thỏa đáng thì các bên mới chịu.
Bốn là, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ trên toàn thế giới tiếp tục có những bước tiến xa hơn và sâu sắc hơn, vượt qua những khả năng mà con người có thể dự đoán được.
Năm là, chủ nghĩa khủng bố có cả màu sắc tôn giáo và sắc tộc hòa quyện vào mang tính chất ngày một cực đoan và tàn bạo, đang ngày càng mạnh lên ở khắp nơi, nhất là ở khu vực Trung Đông và châu Phi, nơi có tới hơn một tỷ người theo đạo Hồi và mấy trăm triệu người gốc A - rập sẵn sàng tham gia vào các cuộc thánh chiến ở bất cứ đâu vì mục tiêu cực đoan của họ.
Nhìn về 5 - 10 năm tới, chắc rằng những đặc điểm nói trên vẫn còn tiếp tục nổi lên, những mức độ có thể khác hơn theo hướng tăng thêm tính quyết liệt và gay cấn và có thêm cả một số đặc điểm khác nữa mà chúng ta phải nhìn thấy trước, cho dù chưa thể hiểu sâu sắc chúng ngay được khi chưa có điều kiện trải nghiệm.
Ngay từ bây giờ các nhà phân tích quốc tế vừa đi sâu vào phân tích các đặc điểm nói trên của thế giới vừa đưa ra những dự báo khá giật mình khiến mọi người không thể thờ ơ được.
Vì khuôn khổ bài báo có hạn, tôi chỉ đi sâu vào mấy lĩnh vực sau đây:
1. Về nền kinh tế - tài chính thế giới: Đứng đầu nền kinh tế - tài chính thế giới hiện nay ai cũng biết là chưa nước nào vượt qua được Mỹ. Cơ sở chiến lược quan trọng bậc nhất của Mỹ là nền tài chính. Vậy mà hiện nay cũng như trong một số năm sắp tới, tài chính là sợi dây trói tay trói chân nước Mỹ, vì nước Mỹ đã chạm tới trần nợ công, khiến cho niềm tin đối với Mỹ sẽ suy giảm dẫn tới đồng USD đang bá chủ thế giới sẽ mất giá mạnh. Tình cảnh đó khiến cho chính sách đối nội của Mỹ khó có thể có những điều thay đổi mới mẻ, chiến lược đối ngoại cũng khó có động tác gì mới, làm cho Mỹ đang phải điều chỉnh hệ thống an sinh xã hội và toàn bộ kết cấu nền kinh tế.
Tài chính khó khăn sẽ kiềm chế “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba” của Mỹ, trong đó có điểm đột phá về kỹ thuật là kết hợp kỹ thuật năng lượng mới nhất với kỹ thuật mạng mới nhất, khiến cho năng lượng sạch có thể được hòa vào mạng năng lượng hóa thạch truyền thống, tạo thành một hệ thống lưới điện thông minh. Có được kỹ thuật này, mức độ dựa vào nguồn năng lượng hóa thạch của loài người sẽ giảm đi rất nhiều, làm cho nhiều vấn đề chiến lược lớn cũng vì thế mà biến đổi sâu sắc. Khó khăn tài chính cũng sẽ ảnh hưởng đến chiến lược quân sự của Mỹ, làm cho ngân sách quân sự phải cắt giảm, chất lượng vũ khí khó có thể nâng cấp, số lượng vũ khí và quân số cũng phải giảm đi.
Theo kế hoạch chiến lược quân sự của Mỹ, đến năm 2020 tỷ lệ lực lượng hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương sẽ tăng 60%, nhưng Mỹ còn phải quan tâm tới chi phí quân sự tại các khu vực trong nước, châu Âu, Trung Đông, châu Phi... , trong khi đó chi phí quân sự của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương đến thời gian đó đã vào khoảng 200 tỷ USD. Điều đó làm cho sự chênh lệch về kỹ thuật quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ dần dần thu hẹp, có khả năng rút ngắn xuống còn khoảng 10 năm hay thậm chí còn ít hơn nữa.
(Còn tiếp)
Hồ Đức Minh