Qua những nguồn tin trên toàn cầu mà chúng ta đã thu lượm được, tình hình nhiều khu vực và trên toàn thế giới nói chung đang có những diễn biến rất phức tạp và khó lường, đan xen sự cạnh tranh và cọ xát về lợi ích giữa nhiều nước và các nhóm nước, to có, nhỏ có, lúc thì quyết liệt, lúc thì lắng dịu bớt, làm cho sự nhận định của mọi người rất khác nhau, khó thống nhất.
Trong gần như suốt thập kỷ đầu của thế kỷ này, loài người nhìn nhận thế giới rất lạc quan và đầy hy vọng. |
Nếu như tình hình này còn tiếp tục thì thế giới trong 5-10 năm tới sẽ ra sao và điều đó sẽ tác động đến đất nước ta như thế nào, nhất là trong bối cảnh Đảng ta sẽ tiến hành tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XII vào năm 2016 tới, trong đó có một nhiệm vụ rất quan trọng là định ra đường lối đối nội và đối ngoại cho phù hợp để không ngừng đưa đất nước ta phát triển đi lên và hội nhập chủ động và tích cực vào sự hợp tác quốc tế và khu vực và bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn, thống nhất của đất nước.
Xuất phát từ những trăn trở như trên, tôi muốn phản ánh quan điểm của cá nhân về những vấn đề quốc tế nói trên trong bài viết dưới đây:
Thế giới khi bước vào thế kỷ XXI…
Khi bước vào những năm đầu tiên của thế kỳ XXI, hay có thể nói là trong gần như suốt thập kỷ đầu của thế kỷ này, loài người nhìn nhận thế giới rất lạc quan và đầy hy vọng. Bởi vì vào những năm đó, nền kinh tế - tài chính và thương mại thế giới phát triển khá mạnh và đồng đều ở hầu hết các trung tâm kinh tế - thương mại lớn của thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu, châu Mỹ và nhiều nước đang phát triển khác. Trung Quốc bấy giờ đang đẩy mạnh công cuộc cải cách mở cửa với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt được hàng năm rất cao, mặc dầu khi đó người ta chưa nói tới “sự trỗi dậy” của Trung Quốc mạnh mẽ như bây giờ với cả một kế hoạch đồ sộ là đạt cho được “giấc mộng Trung Hoa” mà nhiều triều đại phong kiến và tầng lớp tinh hoa của Trung Quốc hằng ấp ủ.
Lúc đó thiên hạ còn đang kỳ vọng nhiều vào xu hướng mở cửa, hội nhập và hợp tác quốc tế sẽ làm cho việc giao lưu buôn bán, làm ăn và đổi chác cho nhau giữa các nước luôn luôn thuận chèo mát mái, không có gì trục trặc và căng thẳng cho lắm, thậm chí có người đã hình dung ra là cả một “thế giới phẳng” hầu như không có biên giới và sự cách trở trong việc làm ăn giữa các nước như Thomas Friedman, một biên tập viên chuyên mục ngoại giao và kinh tế của tờ New York Times đã viết trong cuốn “The world is flat”. Đồng thời người ta cũng kỳ vọng vào những bước nhảy vọt đáng kinh ngạc của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ với những thành tựu mà loài người chưa được chứng kiến bao giờ, tạo ra một động lực thúc đẩy sức sản xuất, năng suất lao động và cả bản thân cuộc sống của loài người, giúp con người đi đến những chân trời mới, những hành tinh và hệ thiên hà mới. Bởi vì lúc đó tuy người ta đã manh nha nhận thức được đang có một sự thay đổi khó lường của khí hậu và chuyển biến của thiên nhiên như Trái Đất nóng lên, khả năng tan băng ở Bắc và Nam Cực, tạo ra những trận động đất dữ dội, những cơn sóng thần nguy hiểm có sức tàn phá ghê gớm và cùng với sự biến đổi này của khí hậu sẽ dẫn đến nhiều loại bệnh dịch nguy hiểm cho loài người.
Cũng vì kỳ vọng nhiều vào sự hội nhập và hợp tác quốc tế, tuy không loại trừ khả năng xảy ra chiến tranh giữa các nước, nhưng người ta chưa hình dung hết sự canh tranh giữa các nước lớn và các nước mới trỗi dậy như hiện nay. Lúc bấy giờ người ta nặng nề về quan niệm các nước trên thế giới cùng lắm là vừa hợp tác vừa đấu tranh với nhau, ai dại gì mà đi gây chiến tranh với nhau bằng vũ khí hạt nhân chiến lược có sức công phá và giết người hàng loạt để chẳng bên nào được lợi gì trong cuộc đọ sức này.
Hơn nữa khi ấy, Liên Xô, một trong hai siêu cường hàng đầu của thế giới đã từng cầm đầu phe XHCN cạnh tranh với phe tư bản do Mỹ cầm đầu hàng mấy chục năm đã sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của nhiều nước XHCN khác ở Đông Âu, khiến người ta thiên về khuynh hướng xây dựng thế giới đa cực, thế giới nhiều phe, nhiều tổ chức và nhóm nước có thể cạnh tranh và kiềm tỏa lẫn nhau, không anh nào có thể bóp mũi được anh nào. Cũng từ đó, thế giới bắt đầu hình thành các nhóm mới nổi lên, có cùng lợi ích và quyền lợi gần giống nhau thì gắn kết với nhau để sống, để phát huy vai trò và vị thế của mình trên thế giới. Và nếu không xảy ra cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 tại cả Washington và New York, làm rung chuyển nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, do tổ chức Al Qaeda do Bin Laden đứng đầu tiến hành thì chắc loài người còn chưa chú ý nhiều lắm tới chủ nghĩa khủng bố đã hình thành khá lâu rồi ở nhiều nơi trên Trái Đất mà đến ngày nay nó đã trở thành một thảm họa với nhiều người, nhiều nước, nhiều vùng, làm cho cuộc sống của loài người lúc nào cũng phải nơm nớp lo sợ.
(Còn tiếp)
Hồ Đức Minh