Nước Mỹ trên hết
Ngày 15/8, lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul còn Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani lên máy bay rời đất nước. Hình ảnh hỗn loạn tại sân bay Kabul khiến toàn thế giới chú ý. Trong bài phát biểu sau sự kiện này, Tổng thống Biden không thể hiện bất cứ tiếc nuối nào và khẳng định ông ra quyết định theo ý chí của người dân Mỹ và không muốn người Mỹ đổ mạng cũng như tiêu tốn tài sản tại Afghanistan.
Tiếp đó, ngày 18/8, Tổng thống Biden tuyên bố những người Mỹ đã được tiêm 2 liều vaccine phòng COVID-19 có thể được tiêm mũi bổ sung để tăng cường miễn dịch trước tình hình biến thể Delta lây lan mạnh.
Động thái này khiến cộng đồng quốc tế phải lên tiếng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước giàu nên hoãn tiêm mũi thứ 3 đến cuối tháng 9 và nhấn mạnh nên ưu tiên vaccine COVID-19 dành cho người dân nước nghèo chưa được tiêm mũi nào.
Tờ Guardian (Anh) cho rằng những quyết định tập trung vào lợi ích Mỹ của ông Biden mang hơi hướng “nước Mỹ trên hết” của người tiền nhiệm Trump. Điều này cũng diễn ra ở thời điểm ông Biden theo đuổi mô hình kinh tế trong đó nhà lãnh đạo này trì hoãn toàn cầu hóa và tập trung vào nhu cầu của người lao động Mỹ sản xuất trên lãnh thổ Mỹ.
Trong bài phát biểu vào đầu tháng này xoay quanh vai trò dẫn đầu của Mỹ về phương tiện năng lượng sạch, Tổng thống Biden đã sử dụng từ “nước Mỹ” và “người Mỹ” hơn 36 lần. Ông nói: “Khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chúng ta sẽ mua sản phẩm của Mỹ, vật liệu Mỹ, dịch vụ từ các doanh nghiệp Mỹ sản xuất tại Mỹ bởi người lao động Mỹ”.
Điểm khác biệt
Ông Larry Jacobs tại Đại học Minnesota (Mỹ) phân tích: “'Nước Mỹ trên hết' là ngôn từ của ông Trump và tôi không nghĩ cấp dưới của ông Biden sẽ sử dụng nó. Tôi mô tả nó là 'chủ nghĩa dân tộc tiến bộ' vì mục đích là chuyển nguồn lực khỏi Afghanistan, khỏi các vấn đề y tế toàn cầu, khỏi thương mại và tập trung một cách có kỷ luật vào việc giúp đỡ công dân Mỹ”.
Theo ông Jacobs, Tổng thống Biden rút binh sĩ khỏi Afghanistan bởi nơi đây không còn phục vụ cho lợi ích của Mỹ.
Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Brown-ông Wendy Schiller đánh giá: “Đó không phải là quan điểm ‘Nước Mỹ trên hết’. Tổng thống Biden đã quyết định rõ ràng nhiệm vụ của bản thân, ông đặt ra mục tiêu tập trung nhiều vào cải thiện điều kiện ở Mỹ và về cơ bản là tránh thiệt hại về nhân mạng”.
Tổng thống Biden đã cam kết đưa Mỹ trở lại trường quốc tế. Ngay khi nhậm chức, ông đã đưa Mỹ quay trở lại với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và sau đó là tham dự cuộc họp với liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cử bổ sung binh sĩ đến sân bay Kabul để hỗ trợ sơ tán công dân Mỹ và hàng nghìn người Afghanistan cùng gia đình họ.
Tổng thống Biden đã bảo vệ quyết định tiêm mũi thứ 3 vaccine COVID-19 cho người dân Mỹ. Ông nói rằng tháng 6 và tháng 7 vừa qua Mỹ đã phân phối 50 triệu liều vaccine cho người dân nước này nhưng đóng góp tới 100 triệu liều vaccine cho các quốc gia khác.
Ngoài ra, Mỹ cũng cam kết quyên góp 200 triệu liều cho các quốc gia khác trong những tháng tới. Tổng thống Biden nói: “Chúng tôi chăm sóc cho người dân Mỹ và giúp đỡ các nước khác trong cùng thời điểm”.