Mặc dù "bản giao hưởng" của năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn và công nghệ xanh đã và đang tạo ra sức sống mới cho không ít quốc gia, song vẫn còn nhiều việc phải làm để thanh âm này vang khắp toàn cầu.
Trên hành trình đầy thách thức đó, cam kết vững chắc, chính sách đột phá và nguồn lực đầu tư mạnh mẽ sẽ “tiếp nhiên liệu” để biến kỳ vọng thành hiện thực trong những năm tới.
Nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng được khai thác từ gió, mặt trời, sóng biển và địa nhiệt đang trở thành "mạch máu" của kinh tế xanh. Tại Anh, các dự án như Hornsea và Dogger Bank không ngừng mở rộng, trở thành biểu tượng của lộ trình "thay máu" kinh tế. Với chiến lược Energiewende, Đức đang chứng kiến năng lượng tái tạo chiếm 59% tổng sản lượng điện trong 9 tháng đầu năm 2024, một con số kỷ lục. Iceland là "ngọn hải đăng" của địa nhiệt với 70% năng lượng từ nguồn này, tiết kiệm 3,5% GDP. Những dự án tại Hà Lan như The Hague và Aardwarmte Vogalaer 2 tiếp tục truyền cảm hứng, khi thị trường địa nhiệt toàn cầu dự kiến tăng từ 8,75 tỷ USD năm 2024 lên 12, tỷ USD vào năm 2033.
Một mảng sáng nổi bật nữa là sự lan tỏa của kinh tế tuần hoàn, từ ngành công nghiệp nhẹ như thời trang cho đến các ngành công nghiệp nặng. Nếu nền kinh tế truyền thống giống như một chiếc đồng hồ cát – tài nguyên trượt qua và biến mất – thì kinh tế tuần hoàn lại là chiếc la bàn, dẫn dắt con người quay trở lại với cội nguồn, nơi mọi thứ có thể tái chế và tái sinh. Kinh tế tuần hoàn định hình tương lai của kinh tế xanh là vậy!
Với các lĩnh vực kinh tế tuần hoàn được triển khai đa dạng: xây dựng, giao thông, năng lượng, nông nghiệp đô thị, thủ đô Amsterdam của Hà Lan đã chứng minh rằng ngay cả đô thị đông đúc cũng có thể chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững, trở thành hình mẫu lý tưởng cho các quốc gia trên toàn cầu. Viết tiếp câu chuyện thành công của dự án "Biobased Bridges" – cây cầu từ vật liệu tái chế và sinh học, biểu tượng của ngành xây dựng xanh bền vững, Hà Lan hiện không ngừng mở rộng sử dụng vật liệu tái chế cho nhà ở, đường sá và sân bay, duy trì tỷ lệ tái chế rác thải xây dựng gần 100% từ năm 2010. Đức, Pháp và Ireland cũng đẩy mạnh tái chế rác thải xây dựng, nguồn chiếm 40% tổng lượng chất thải ở EU
Châu Á cũng tạo nên những "nốt nhạc xanh" của kinh tế tuần hoàn, trong những lĩnh vực trọng điểm như quản lý chất thải nhựa, tái chế rác thải điện tử hay phát triển nông nghiệp bền vững. Với mục tiêu giảm 30% lượng chất thải đưa đến bãi chôn lấp vào năm 2030, mô hình kinh tế tuần hoàn ở Singapore nổi bật với sự kết hợp giữa công nghệ, chính sách và cộng đồng để tối ưu hóa việc tái sử dụng tài nguyên. Tại Indonesia, ngành nông nghiệp dẫn đầu với sáng kiến tái sử dụng chất thải như chùm quả cọ, mùn cưa hay vỏ trấu để làm giá thể trồng nấm, phân bón tự nhiên, hoặc nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác, mở ra nguồn thu mới cho doanh nghiệp. Những cách tiếp cận trên tạo bệ phóng cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN hướng tới khuôn khổ kinh tế tuần hoàn được thiết lập từ năm 2021.
Dòng chảy kinh tế xanh năm 2024 cũng tiến xa trong kỷ nguyên công nghiệp hóa xanh nhờ sự đổi mới công nghệ, trong đó nổi bật là công nghệ hydrogen xanh. Với hiệu suất cao và không phát thải carbon, hydrogen xanh được coi là giải pháp tương lai cho chuyển đổi năng lượng, nhất là trong ngành công nghiệp nặng và vận tải. EU đặt mục tiêu sản xuất hydrogen xanh chiếm từ 13 - 14% trong cơ cấu năng lượng vào năm 2050, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc đặt mục tiêu phát triển hydrogen sạch chiếm lần lượt 10% và 33% trong cơ cấu năng lượng quốc gia vào năm 2050.
AI và công nghệ sinh học đang thay đổi mạnh mẽ nông nghiệp thông minh và sản xuất thực phẩm bền vững, giúp giảm khí thải và bảo vệ môi trường. Nhờ AI, nông nghiệp trở nên hiệu quả hơn trong việc sử dụng tài nguyên, giảm lãng phí và bảo vệ đa dạng sinh học. Các giải pháp công nghệ sinh học như protein thực vật và thực phẩm từ tế bào đang dần thay thế chăn nuôi truyền thống, mở ra hướng đi bền vững. Đổi mới công nghệ sẽ là yếu tố quyết định trong chuyển đổi sang nền kinh tế phi carbon.
Tài chính xanh tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, quản lý rác thải và nâng cao hiệu suất năng lượng. Dòng vốn đầu tư này âm thầm nhưng mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới công nghệ. Theo Chỉ số Tài chính xanh toàn cầu 2024, London vẫn dẫn đầu, trong khi Zurich và Singapore vượt qua Geneva để chiếm vị trí thứ hai và ba. EU hiện là nhà phát hành lớn nhất trái phiếu xanh, với hơn 65 tỷ euro ( tỷ USD) trái phiếu xanh NextGenerationEU trong năm qua, và trái phiếu xanh được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ ở Bắc Mỹ và châu Á-Thái Bình Dương.
Giáo sư Mariana Mazzucato, Đại học University College London (Anh), nhấn mạnh để đạt được nền kinh tế bền vững, các chính phủ cần huy động nguồn lực tài chính với quyết tâm như khi đối phó với khủng hoảng tài chính 2008 hoặc đại dịch COVID-19. Chỉ khi đó, việc cải tổ các ngành công nghiệp cũ như thép và xi măng, cũng như đầu tư vào công nghệ xanh và năng lượng tái tạo, mới có thể đạt được bước tiến đáng kể.
Theo ông Larry Fink, Giám đốc điều hành của BlackRock - công ty quản lý quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, việc đầu tư vào kinh tế xanh không chỉ thể hiện trách nhiệm đạo đức mà còn mang lại lợi nhuận bền vững trong dài hạn.
Năm 2024, nhiều quốc gia đã ghi nhận bước tiến lớn trong quản trị kinh tế xanh: Indonesia công bố Lộ trình Kinh tế tuần hoàn (2025–2045), Maroc tăng cường tài chính xanh, Namibia phát triển hydrogen xanh bền vững và Zambia bắt đầu “bước vào” hành trình kinh tế xanh. Tại Mỹ, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) thúc đẩy đầu tư năng lượng sạch, còn Thỏa thuận Xanh của EU vẫn là kim chỉ nam cho mục tiêu trung hòa khí hậu 2050.
Ở cấp độ quốc tế, năm 2024 cũng là thời điểm các quốc gia đồng lòng hơn trong phát triển kinh tế xanh và giảm tác động của biến đổi khí hậu. Hội nghị tlần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29) ghi nhận kết quả khả quan khi các quốc gia phát triển cam kết sẽ chi ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm, từ nay đến năm 2035, để giúp các nước đang phát triển "xanh hóa" nền kinh tế và nâng cao khả năng ứng phó với thảm họa khí hậu. Các tổ chức quốc tế trong đó có Ngân hàng Thế giới và các liên minh toàn cầu đang mở rộng vai trò hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh.
Như khẳng định của Tổng Thư ký LHQ António Guterres, cải cách hệ thống quản trị quốc tế là chìa khóa để ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu. Những quyết sách và hành động hôm nay chính là nền tảng định hình tương lai kinh tế xanh, nối dài hơn cây cầu dẫn tới một thế giới bền vững cho nhân loại.
Năm 2025 được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự bùng nổ của các sáng kiến kinh tế xanh, khi các quốc gia và doanh nghiệp lớn tăng cường nỗ lực giảm phát thải và chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững. Theo các chuyên gia, kinh tế xanh không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là giải pháp chủ chốt để ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Thách thức và kỳ vọng đan xen, những nốt nhạc đầy hứa hẹn cho kinh tế xanh 2025 sẽ viết tiếp hành khúc mới cho “bản giao hưởng kinh tế xanh” trong nhiều thập niên tới.