Theo trang The Guardian (Anh), hiệu ứng domino do phong trào Hamas khởi xướng vào ngày 7/10/2023 vẫn đang lan rộng khắp Trung Đông, với diễn biến mới nhất là sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào cuối tuần trước.
Syria, quốc gia đã trải qua cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 14 năm, đã chứng kiến bước ngoặt mới sau khi các lực lượng đối lập do nhóm phiến quân HTS dẫn đầu tuyên bố chiếm các kênh truyền hình nhà nước và kiểm soát thủ đô Damascus. Những gì sẽ xảy ra tiếp theo ở Syria, nơi vẫn phải vật lộn với các vấn đề nội bộ và giáo phái sâu sắc, vẫn chưa chắc chắn. Tuy nhiên, ở Iran, bức tranh đã rõ ràng hơn. Theo tờ New York Times, Iran đã thừa nhận thất của chế độ Syria là một thách thức đối với “trục kháng chiến” chính trị và quân sự của Tehran.
Hezbollah – phong trào thân Iran – được cho là đã tính toán sai lầm khi hỗ trợ Hamas trong cuộc chiến ở Gaza, bằng cách mở một mặt trận trên “Đường ranh giới xanh” do Liên hợp quốc phân định, ngăn cách Liban với Israel.
Sau gần 1 năm tiến hành các cuộc tấn công trả đũa qua biên giới khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa, Israel đã đẩy mạnh chiến dịch vào tháng 9. Tel Aviv đã tiêu diệt phần lớn cơ cấu chỉ huy của Hezbollah trong các cuộc không kích, bao gồm cả thủ lĩnh kỳ cựu ông Hassan Nasrallah, và đẩy lùi các tay súng của phong trào này khỏi khu vực phân định trong một cuộc tấn công trên bộ.
Hai tháng sau, Tehran tuyên bố với Hezbollah rằng họ không thể chịu thêm tổn thất nữa. Phong trào này đã đi đến bàn đàm phán, đồng ý ngừng bắn theo các điều khoản có lợi cho Israel.
Iran từ lâu đã đến sự hỗ trợ của Hezbollah ở nước láng giềng Syria, nơi phong trào này cùng lực lượng Nga, đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại của chế độ Tổng thống Assad, khi chế độ này phải đối mặt với các nhóm phiến quân khác nhau vào năm 2015. Tuy nhiên, do đã cạn kiệt nguồn lực trong các cuộc chiến ở Israel và Ukraine, nên không bên nào sẵn lòng hoặc có khả năng gửi viện trợ cho Damascus lần này.
Nhóm HTS cùng Quân đội Quốc gia Syria - một nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ, nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đánh cược rằng các đồng minh của Tổng thống Assad đã suy yếu và mất tổ chức. Lực lượng này đã tiến về Aleppo với lý do để ngăn chặn cuộc tấn công đã lên kế hoạch ở phía Tây Bắc Syria, và phát hiện ra rằng quân đội tham nhũng và suy sụp tinh thần của Damascus đã bị bất ngờ và mất khả năng chống cự.
Theo giới chuyên gia, diễn biến này có thể gây những hậu quả địa chính trị lớn đối với khu vực và phần còn lại của thế giới. Trong đó, sự sụp đổ của Tổng thống Assad thực sự cắt đứt tuyến đường vũ khí, vật tư và nhân sự từ Tehran đến Hezbollah, đặc biệt là nếu lực lượng người Kurd tại Syria, vốn đã mở rộng quyền kiểm soát biên giới sa mạc giữa nước này và Iraq, vẫn nhận được sự hậu thuẫn từ Mỹ. Hơn nữa Hezbollah, vốn đã bị cô lập, sẽ bị suy yếu hơn nữa, khiến phong trào này dễ bị Israel tấn công hoặc đột kích hơn.
Theo truyền thông phương Tây, Iran sẽ buộc phải tăng cường mạng lưới hiện diện ở Iraq và mối liên hệ với lực lượng Houthi ở Yemen. Điều quan trọng, Tehran không còn hiện diện hoặc có ảnh hưởng trực tiếp đến biên giới của Israel nữa. Thay vào đó, Iran có thể tập trung vào chương trình hạt nhân của nước này. Song với việc ông Donald Trump tái đắc cử - người đã thiết lập chính sách “gây sức ép tối đa” đối với Tehran trong nhiệm kỳ đầu tiên - có nghĩa là Tehran sẽ phải tiến hành sự hiện diện đó một cách thận trọng.
Trong ngắn hạn, Israel có thể ăn mừng trước các sự kiện ở Syria, vì họ được cho là đã giành chiến thắng trước “trục kháng chiến. Song điều này vẫn đi kèm với những thách thức mới.
Hôm 7/12, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) lần đầu tiến vào khu vực Cao nguyên Golan do Syria kiểm soát kể từ năm 1974 giúp đẩy lùi cuộc tấn công của lực lượng phiến quân vào một tiền đồn của Liên hợp quốc gần làng Druze ở Khader, cách lãnh thổ do Israel chiếm đóng vài trăm mét. Ngày 8/12, IDF cho biết họ đã triển khai thêm 2 lữ đoàn và đưa quân vào vùng đệm để ngăn chặn các nhóm phiến quân và dòng người tị nạn tiềm tàng.
Israel giờ đây đang lo ngại về nơi lưu trữ vũ khí hạng nặng và dự trữ vũ khí hóa học có thể được Syria chuyển đến, cũng như các nỗ lực nhằm buôn lậu vũ khí và vật tư vào Bờ Tây bị chiếm đóng thông qua Jordan.
Vào thời điểm này, thật khó để tưởng tượng rằng thủ lĩnh HTS, ông Abu Mohammed al-Jolani, sẽ ngồi xuống ký một thỏa thuận hòa bình giữa Syria và Israel, cuối cùng sẽ quyết định số phận của Cao nguyên Golan. Nhưng như 14 tháng qua đã chứng minh, không có gì ở Trung Đông là không thể bàn luận.