Việc duy trì sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria sẽ là "một vấn đề rất quan trọng" trong các cuộc đàm phán với chính quyền mới của nước cộng hòa Arab này, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời các phóng viên ngày 9/12.
Theo ông Peskov, vẫn còn quá sớm để thảo luận về việc tổ chức các cuộc đàm phán như vậy trong bối cảnh quá trình chuyển đổi chính trị và tình hình bất ổn cực độ.
Bình luận của người phát ngôn Điện Kremlin được đưa ra trong bối cảnh có tin đồn rằng Nga được cho là đã rút hầu hết binh sĩ khỏi Syria sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar Assad sụp đổ vào ngày 8/12.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Al Arabiya, cựu Thủ tướng Syria Mohammad Ghazi al-Jalali, người đã ở lại thủ đô Damascus, tuyên bố rằng chính quyền tiếp theo sẽ quyết định sự hiện diện của quân đội Nga tại Syria. Bộ Ngoại giao Nga cho biết mặc dù các địa điểm quân sự của Nga "đang trong tình trạng báo động cao, nhưng không có mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với an ninh của họ".
Đánh giá về vấn đề trên, Ibragim Ibragimov, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói với tờ Vedomosti ngày 10/12 rằng, thực tế là hiện tại không có mối đe dọa nào đối với các cơ sở quân sự của Nga tại Syria.
Chuyên gia này tin rằng quân đội Nga sẽ ở lại Syria trong thời gian trước mắt. "Tôi không loại trừ khả năng một định dạng hợp tác kỹ thuật quân sự mới sẽ sớm xuất hiện và các chuyên gia quân sự Nga sẽ đóng vai trò trong việc thành lập một quân đội Syria mới", ông Ibragimov nhận định.
Theo chuyên gia về Trung Đông Ruslan Suleimanov, Nga có cơ hội duy trì dấu ấn quân sự của mình tại Tartus và Hmeimim, mặc dù chỉ mang tính tượng trưng. "Những đại diện của HTS (còn gọi là Tahrir al-Sham, trước đây là Mặt trận Nusra, bị cấm ở Nga) chưa bao giờ phản đối sự hiện diện của Nga tại Syria", chuyên gia này giải thích.
Tuy nhiên, ông Suleimanov cho rằng, Nga và Syria khó có thể duy trì mối quan hệ hữu nghị trong tình hình hiện tại. Hai nước có khả năng sẽ giảm quan hệ của họ trong các lĩnh vực cùng quan tâm, ông Suleimanov khẳng định.
"Các chỉ huy của HTS sẽ phải liên lạc với cộng đồng quốc tế và tìm cách xóa tên họ khỏi danh sách khủng bố. Một giai đoạn mới bắt đầu trong lịch sử Syria và Nga có thể sẽ phải thiết lập đối thoại với họ", chuyên gia Suleimanov kết luận.