Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông vừa ký công văn gửi Công ty TNHH Tân Trường Phát, nhà thầu thi công công trình thủy lợi Quảng Lộc, đề nghị khắc phục một số tồn tại của công trình trước tháng 6/2023. Đây được coi là cơ sở để thực hiện xác nhận kết thúc bảo hành công trình theo quy định và để công trình hoạt động ổn định, hiệu quả, không ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.
Theo báo cáo dự án đầu tư, công trình thủy lợi Quảng Lộc có tổng vốn đầu tư hơn 63 tỷ đồng, thuộc dự án phát triển hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên. Công trình đã hoàn thành và được bàn giao, đưa vào sử dụng từ tháng 12/2018. Chủ đầu tư công trình là Ban Quản lý dự án phát triển hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên tỉnh Đắk Nông. Đơn vị nhận bàn giao, vận hành là Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông.
Tuy nhiên, đáng chú ý, trước, trong và sau khi nhận bàn giao, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông và chi nhánh đơn vị này tại huyện Đắk R’lấp đã nhiều lần nêu ý kiến, cũng như có các văn bản chỉ ra một số hư hỏng, tồn tại của công trình (các năm 2019, 2020, 2023 - PV). Tại các công văn nêu trên, đơn vị này đều yêu cầu sửa chữa, khắc phục nhưng đến nay đơn vị thi công vẫn chưa được thực hiện. Các ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương cũng xác nhận các nội dung này.
Theo đó, tại các văn bản, báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông (số 580/KTTL-QLCT, ngày 4/12/2019; số 35/KTTL-QLCT, ngày 14/2/2020;27/KTTL-QLCT, ngày 18/1/2023), nhiều vị trí trên đường ống dẫn nước của công trình thủy lợi Quảng Lộc bị rò rỉ, gây xói lở bờ và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Thêm nữa, nhiều vị trí tuyến ống nằm sát mặt ruộng dễ bị hư hỏng và ảnh hưởng đến việc người dân sử dụng máy móc để cày xới đất trên cánh đồng.
Việc quản lý, vận hành công trình cũng gặp nhiều khó khăn do hồ sơ giải phóng mặt bằng, hướng tuyến của đường ống dẫn nước chưa có. Đơn vị quản lý, người dân không xác định được hướng tuyến, vị trí đường ống, gây khó khăn cho vận hành và cản trở quá trình sản xuất, cơ giới hóa trên đồng ruộng.
Bất hợp lý hơn, theo một số người dân các xã Đạo Nghĩa, Đắk Sin, tại nhiều vị trí cống điều tiết nước, nông dân không thể lấy nước vào ruộng vì không có kênh dẫn hoặc tệ hơn là cống thấp hơn mặt ruộng (từ 5 - 10cm). Nhiều vị trí đường ống bị hở, không khớp nên nước chảy tự do ra ngoài, nông dân phải đào, đắp đất để điều tiết nước.
Theo báo cáo của Chi nhánh huyện Đắk R’lấp (Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông) vào ngày 29/11/2019, một số vị trí như cống xả cát, kênh dẫn, số lượng công trình trên kênh… trên hồ sơ hoàn công của công trình không đúng với thực tế. Nhiều điểm trên đường ống dẫn nước bị hở, nước tràn ra mặt ruộng và nhiều hố bơm bị bồi lấp, thiếu nắp đậy, mất an toàn…
Thực tế, số lượng cửa lấy nước trên kênh tưới của công trình theo như biên bản bàn giao (tháng 12/2018) là 16. Còn theo báo cáo dự án đầu tư là 22.
Theo biên bản kiểm tra mới nhất (ngày 9/1/2023) của ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, huyện Đắk R’lấp và chính quyền địa phương xã Đắk Sin, có 5 hố bơm và 12 vị trí trên đường ống bị rò rỉ nước. Nhiều vị trí đường ống nằm sát mặt ruộng và đường mương chảy dọc cánh đồng nên rất dễ hư hỏng nếu người dân sử dụng máy móc để cày xới.
Thêm nữa, tuyến đường ống dẫn nước được chôn ngầm nhưng không có biển, bảng cảnh báo nên chính quyền địa phương và người dân không xác định được hướng, tuyến cụ thể.
Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Thành Nên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk R’lấp cho rằng, việc rò rỉ đường ống dẫn nước công trình thủy lợi Quảng Lộc đã được ý kiến rất nhiều lần từ năm 2019 đến nay nhưng chưa được khắc phục. Huyện đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu, các bên liên quan tập trung xử lý đến nơi đến chốn và có giải pháp để công trình vận hành hiệu quả.
Theo biên bản bàn giao công trình vào cuối tháng 12/2018, công trình thủy lợi Quảng Lộc bao gồm: đập dâng, tràn xả lũ, cống lấy nước đầu kênh, kênh tưới (dài hơn 4.500m), đường giao thông xung quanh kênh dài hơn 3.400m… Chất lượng công trình được xác định "đạt yêu cầu so với thiết kế" và nhà thầu có trách nhiệm bảo hành công trình theo như thời hạn ghi trong hợp đồng. Thời gian bảo hành theo hợp đồng là 12 tháng.
Theo báo cáo dự án đầu tư được các bên ký xác nhận vào năm 2016, dự án sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi Quảng Lộc sẽ đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 80 ha lúa (hai vụ) và hơn 420 ha cây công nghiệp, hoa màu.
Phóng viên đã liên hệ với Công ty TNHH Tân Trường Phát để trao đổi, làm rõ một số nội dung liên quan. Giám đốc công ty này cho biết sẽ sắp xếp thời gian và trao đổi sau.