Ngoài tín chấp, ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, các cấp Hội đã ký kết với các ngân hàng thương mại để tạo nhiều nguồn vốn vay cho hội viên phụ nữ; duy trì hoạt động tiết kiệm dưới nhiều hình thức để cho phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn, hoạn nạn, đơn thân vay. Ban nữ công quần chúng Công đoàn các cấp tiếp tục vận động xây dựng Quỹ “Vì nữ công nhân viên chức lao động nghèo”. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Ban này đã vận động quỹ trên được hơn 5 tỷ đồng, cho 1.110 lượt nữ công nhân viên chức lao động nghèo vay.
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025”, từ đầu năm 2018 đến nay, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đã vận động các tổ chức tín dụng, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ hơn 3,4 tỷ đồng vốn vay khởi nghiệp cho 404 hội viên phụ nữ. Các cấp Hội còn thực hiện hoạt động “dịch vụ có thu” để tạo quỹ hoạt động, hỗ trợ hội viên nghèo vay vốn.
Theo bà Trần Thị Phong, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk, việc hỗ trợ nguồn vốn vay cho hội viên phụ nữ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ vùng biên giới được các cấp Hội đặc biệt chú trọng. Hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giao chỉ tiêu cho cơ sở để có địa chỉ cụ thể, hoạt động hỗ trợ cụ thể giúp hội viên đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Trong năm 2018, Hội đã xây dựng Quỹ đồng hành cùng phụ nữ biên giới để tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ nghèo ở các huyện biên giới vay vốn, phát triển kinh tế. Với số vốn vay được hỗ trợ, đa số hội viên phụ nữ nghèo đã sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Bà Trần Thị Phong cho biết, trong thời gian tới, bên cạnh việc hỗ trợ về nguồn vốn vay, Hội chú trọng hỗ trợ kiến thức khởi nghiệp, thông tin về hội nhập, phối hợp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho hội viên phụ nữ nghèo... Đắk Lắk phấn đấu mỗi năm toàn tỉnh giảm 3% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, trong đó hộ nghèo do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ hộ giảm ít nhất 2%.
Hiện nay, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh quản lý trên 1.373 tỷ đồng tổng dư nợ với Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn vay, cho hơn 52.000 lượt hộ hội viên vay. Với nhiều cách làm sáng tạo, đa dạng hóa các nguồn vốn vay, cuối năm 2017, Đắk Lắk có 2.250/7.936 hộ hội viên, phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo.