Trước đây, gia đình anh Nguyễn Viết Hòa ở tiểu khu 3, xã Nà Mường, huyện Mộc Châu chỉ trồng ngô và những cây lương thực kém hiệu quả. Từ những khó khăn trong sản xuất, gia đình anh đã chuyển sang trồng cây nhãn. Đến nay, gia đình anh là hộ có nhiều nhãn nhất, với hơn 700 cây nhãn.
Anh trồng chủ yếu là giống nhãn ghép nên đạt năng suất và chất lượng cao, trung bình đạt 1 tạ quả/cây; có cây đạt năng xuất 2 tạ. Với 2 ha nhãn, mỗi năm gia đình anh thu vài chục tấn quả với giá trị hàng tỷ đồng.
Hiệu quả từ việc chuyển đổi cây trồng đã mang lại những đổi thay tích cực trong tư duy sản xuất của người nông dân. Anh Nguyễn Viết Hòa chia sẻ, để quả nhãn đạt chất lượng, tiêu chuẩn ngon cần phải chăm sóc gốc cây, bón phân theo định kỳ, đồng thời kết hợp với các loại thuốc bảo vệ thực vật cho phép và phun thuốc theo đúng quy trình theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp.
Từ lâu, cây bơ vốn xuất xứ từ miền Nam nhưng lại sinh trưởng và phát triển tốt ở cao nguyên Mộc Châu. Đến nay, diện tích cây bơ trên địa bàn huyện Mộc Châu là 405 ha. Thương hiệu bơ Mộc Châu không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà còn được khách hàng nước ngoài đánh giá cao.
Hiện nay, một số loại cây ăn quả trồng ở Mộc Châu đã thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong chăm sóc và đưa giống mới năng suất cao vào thay thế. Ông Trần Xuân Thành, Trường phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu cho biết, địa phương đã có nhiều nông dân ứng dụng nhà lưới và công nghệ tưới tiết kiệm nước, được thực hiện trên nhiều đối tượng cây trồng. Hằng năm, ngành nông nghiệp huyện Mộc Châu đánh giá cho kết quả tốt so với canh tác truyền thống, nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm đẹp và giảm được nhân công.
Đến nay, trên địa bàn huyện Mộc Châu có trên 9.000 ha cây ăn quả, sản lượng quả tươi đạt gần 40.000 tấn, giá trị sản xuất 1 ha đất nông nghiệp trên 50 triệu đồng/ ha, tăng hơn 10 triệu đồng/ha so với thời điểm năm 2015. Với chiến lược lâu dài phát triển vùng cây ăn quả, huyện Mộc Châu khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao với diện tích lớn và áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, cũng như sản xuất theo hướng hữu cơ.
"Địa phương đang tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ và sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, phát triển thương hiệu các nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị", Bí thư Huyện ủy Mộc Châu Trần Dân Khôi thông tin.
Với cách làm hiện nay, trong những năm tới, Mộc Châu sẽ là vùng chuyên canh cây ăn quả ứng dụng công nghệ của tỉnh Sơn La theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến. Từ đây, nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cao của Mộc Châu sẽ tạo nên sức bật mới, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững.