Theo các nhà nghiên cứu, tỷ lệ bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang trên đà đuổi kịp các kỷ lục từng được thiết lập vào năm 2018. Bởi lẽ, đông đảo cử tri đang tích cực bỏ phiếu trực tiếp và qua thư trên khắp các bang.
Hãng CNN trích dẫn số liệu cho hay tính đến tối 21/10, hơn 5,8 triệu người đã bỏ phiếu. Con số này tương đương với tỷ lệ của tuần bỏ phiếu sớm đầu tiên trong cuộc bầu cử năm 2018. Đó là sự kiện có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ cao nhất trong một thế hệ.
Các bang theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử - trong đó có Georgia, Florida và Ohio - là những bang có số lượng cử tri bỏ phiếu sớm lớn. Trong đó, các cử tri của đảng Dân chủ đang bỏ phiếu sớm nhiều hơn.
Các đảng viên đảng Cộng hòa đã khuyến khích người ủng hộ của họ bỏ phiếu trực tiếp, viện dẫn lý do để đảm bảo an ninh bầu cử.
Báo New York Times đưa tin rằng tỷ lệ cử tri đi bầu trực tiếp đã tăng 70% tại Georgia, nơi thống đốc đương nhiệm của đảng Cộng hòa đang đối mặt với sự thách thức từ đối thủ của đảng Dân chủ Stacey Abrams. Trong khi đó, thượng nghị sĩ Mỹ Raphael Warnock thuộc đảng Dân chủ lại đang cạnh tranh với thượng nghị sĩ Herschel Walker trong cuộc đua giành ghế Thượng viện. Tính đến tối 21/10, khoảng 520.000 người đã bỏ phiếu trong cuộc bỏ phiếu trực tiếp sớm, theo Fox5 Atlanta.
Tại Ohio, hơn 943.000 người đã bỏ phiếu hoặc yêu cầu bỏ phiếu vắng mặt trong tuần đầu tiên của cuộc bỏ phiếu sớm, theo báo cáo của Columbus Dispatch, tăng 2,7% so với tỷ lệ của năm 2018.
Hơn 186.000 lá phiếu đã được bầu sớm ở Bắc Carolina hôm 20/10 - ngày bắt đầu bỏ phiếu sớm - tăng từ 155.000 phiếu bầu của cùng giai đoạn vào năm 2018. CNN trích dẫn số liệu của Hội đồng bầu cử bang Bắc Carolina cho biết số lượng cử tri đảng Dân chủ chiếm 42% số lá phiếu sớm và số phiếu bầu của cử tri Cộng hòa chiếm khoảng 29%. Các cử tri không bắt buộc phải tuyên bố trung thành với đảng.
Hơn 122 triệu người đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 - con số cao nhất kể từ năm 1978. Hơn một nửa số người Mỹ đủ điều kiện đã tham gia bỏ phiếu năm 2018, tăng lên từ 42% vào năm 2014.
Theo NBC News, đảng Dân chủ đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện gồm 435 ghế. Toàn bộ 435 ghế này sẽ được bầu lại vào ngày 8/11 tới. Ghế của 5 trong số 6 thành viên không có quyền bỏ phiếu của Hạ viện cũng sẽ được bầu. Các cuộc bầu cử đặc biệt sẽ được tổ chức để lấp đầy những ghế trống trong Quốc hội Mỹ khóa 117.
Theo kết quả của cuộc bầu cử năm 2020, đảng Dân chủ đang duy trì thế đa số tại Hạ viện, giành được 220 ghế, so với 212 ghế của đảng Cộng hòa. Tính đến ngày 10/10/2022, đảng Dân chủ chiếm đa số với tỷ lệ so với đảng Cộng hòa là 220-212 tại Hạ viện với ba vị trí trống. Đảng Cộng hòa cần giành được tối thiểu 218 ghế để lấy lại quyền kiểm soát Hạ viện.
Ngoài quyền lập pháp - một nghĩa vụ cùng chia sẻ với Hạ viện, Thượng viện có trách nhiệm phê chuẩn các thẩm phán liên bang, các quan chức nội các và đại sứ, cũng như phê chuẩn các hiệp ước. Hiến pháp Mỹ quy định, mỗi bang trong số 50 bang của đất nước đều có hai suất thượng nghị sĩ được bầu với nhiệm kỳ 6 năm, bất kể quy mô dân số của bang đó.