Bế mạc Hội nghị G-20: Ưu tiên tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm

Sau hai ngày làm việc, chiều 19/6 tại Cung đại hội San Cabo ở thành phố Los Cabos, miền Bắc Mêhicô, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) lần thứ 7 đã bế mạc với việc thông qua Tuyên bố Los Cabos nhấn mạnh ưu tiên tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

 

Phát biểu bế mạc, Tổng thống nước chủ nhà Felipe Calderon khẳng định hội nghị đã thành công tốt đẹp với những hành động cụ thể nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, và việc cấp vốn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đạt mức cao nhất từ trước tới nay (456 tỷ USD). Tổng thống Mêhicô cảm ơn những nỗ lực chung để đạt được những bước tiến trên, và đặc biệt đánh giá cao sự tham gia tích cực của các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Trung Quốc, Braxin và Nga.
Trong Tuyên bố Los Cabos, các nhà lãnh đạo G-20 nhất trí cho rằng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tạo thêm việc làm thông qua nhiều biện pháp là ưu tiên cơ bản trong cuộc chiến chống tác động của cuộc khủng hoảng hiện nay ở châu Âu. Các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ sự ủng hộ đặc biệt đối với việc sử dụng khoản chi công lớn hơn nhằm đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhấn mạnh các quốc gia có đủ phương tiện tài chính sẵn sàng chi cho mục tiêu trên.

 

Ngày 18/6, tại Los Cabos (Mêhicô), diễn ra cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (trái) và Tổng thống Mêhicô Felipe Calderon bên lề hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Tại buổi họp báo sau đó, ông Calderon cho biết giới lãnh đạo tham dự G-20 đã đạt được sự nhất trí đối với một loạt chủ đề bao gồm kiểm soát khủng hoảng châu Âu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu bền vững, bơm thêm tiền cho IMF, chống nạn bảo hộ mậu dịch đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều khu vực, chú trọng giải quyết tình trạng đói nghèo và an ninh lương thực.

 

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào kêu gọi G-20 nỗ lực nhằm đạt được những tiến bộ mới trong khi vẫn đảm bảo được tính ổn định. Nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nêu rõ mặc dù triển vọng tăng trưởng toàn cầu có một số cải thiện, nhưng nền kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với những nhân tố bất ổn và không chắc chắn. Để đối phó với thách thức này, theo ông, các nước G-20 cần củng cố những gì đã đạt được trong công cuộc đối phó với cơn bão tài chính vừa qua, đồng thời duy trì sự ổn định kinh tế-xã hội và phát triển. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng đưa ra đề nghị 5 điểm, trong đó kêu gọi các nước G20 cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy kinh tế thế giới phục hồi vững chắc.

 

Trước khi bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Los Cabos, các nhà lãnh đạo G-20 đã đưa ra "tối hậu thư" đối với Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu các nước này làm tất cả những gì cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công hiện đang là mối đe dọa đối với toàn thế giới.

 

G-20 bày tỏ sự ủng hộ đối với những chương trình cải cách mà EU dự định tiến hành trong thời gian tới, đồng thời chỉ rõ hai biện pháp cụ thể mà EU cần thực hiện ngay, đó là cải thiện quá trình hoạt động của thị trường tài chính, xử lý nợ xấu giữa các ngân hàng tại các quốc gia thành viên EU. Về phần mình, các nước EU thuộc G-20 đã nhất trí bắt đầu hội nhập hệ thống ngân hàng trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nhằm hướng tới một cơ cấu tài chính hội nhập hơn.

 

Mêhicô là quốc gia mới nổi thứ hai làm chủ tịch luân phiên G-20, sau Hàn Quốc. Dự kiến, Hội nghị thượng đỉnh G-20 lần thứ 8 sẽ được tổ chức vào tháng 6/2013 tại thành phố Saint Petersburg của Nga, nước sẽ nhận bàn giao chức chủ tịch luân phiên từ tay Mêhicô vào cuối năm nay.

 

 

TTXVN/Tin tức

G20 tiếp 'sinh lực' cho kinh tế thế giới
G20 tiếp 'sinh lực' cho kinh tế thế giới

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra trong hai ngày 18-19/6 tại Los Cabos (Mêhicô), đang tích cực tìm kiếm các biện pháp củng cố lòng tin và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN