Theo dữ liệu mới được công bố do Trường Kinh tế Kyiv thu thập và được Armin Steinbach, một thành viên không thường trú tại tổ chức nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels, phân tích, các công ty của châu Âu và Mỹ đã rút khoảng 40% tài sản của họ tại Nga kể từ tháng 2/2022.
Hiện tài sản của họ trị giá khoảng 194 tỷ USD vẫn còn ở Nga. Trong số những tài sản này, 32 tỷ USD thuộc sở hữu của các công ty Mỹ, trong khi 90 tỷ USD thuộc về các công ty châu Âu.
Các doanh nghiệp phương Tây còn lại ở Nga hiện đang ở trong những tình huống khác nhau. Một số nói rằng họ sẽ rời đi nhưng sau đó lại từ bỏ hoặc hoãn kế hoạch. Những doanh nghiệp khác có giảm hoạt động tại Nga, nhưng đôi khi chỉ ở mức tối thiểu.
Theo phân tích của hãng tin Reuters, cuộc "di cư" của khoảng 1.000 công ty nước ngoài khỏi Nga kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra năm 2022 đã khiến họ thiệt hại hơn 107 tỷ USD do mất doanh thu và giảm giá trị tài sản.
Do hàng loạt lệnh trừng phạt, các doanh nghiệp phương Tây cũng gần như không thể gửi lợi nhuận kiếm được ở Nga trở lại trụ sở chính của họ. Các khoản tiền này phải được giữ trong các tài khoản đặc biệt ở Nga, được gọi là tài khoản "C".
"Tôi đã nói chuyện với hàng chục khách hàng nước ngoài ở Nga và chỉ có hai người có thể chuyển số tiền này", Nabi Abdullaev, một đối tác tại London của Control Risks, một công ty tư vấn, cho biết.
Nhiều ngân hàng phương Tây cũng đang ở trong một vị thế đặc biệt khó khăn. Các ngân hàng thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn liên quan đến Nga, nói riêng, đã phải chịu áp lực ngày càng tăng trong những tuần gần đây từ các giám sát viên của EU, cũng như các nhà chức trách Mỹ, về mối quan hệ của họ với Moskva.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã yêu cầu các bên cho vay của Eurozone cung cấp một lộ trình rõ ràng để thoát khỏi thị trường Nga.