Các nhà lãnh đạo đối mặt với các cuộc thảo luận khó khăn về khí hậu

Trong ngày họp thứ 2, ngày 31/10, các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tham dự hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Rome (Italy) phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là vượt qua bất đồng về đưa ra cam kết về cách thức ứng phó với tình trạng ấm lên trên toàn cầu trước Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), dự kiến diễn ra từ ngày 31/10 đến 12/11. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome, Italy ngày 30/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Lượng phát thải carbon của các nước G20 chiếm gần 80% lượng phát thải trên toàn thế giới. Giới chuyên gia cho rằng việc đạt được mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt của Trái Đất dưới 1,5 độ C - mục tiêu tham vọng nhất trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - đồng nghĩa với việc giảm 50% mức phát thải ròng vào năm 2030 và về 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, dự thảo tuyên bố chung của G20 cho thấy sẽ không có cam kết chắc chắn nào về việc khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, cũng như cách thức đưa mức phát thải ròng về 0.

Dẫu vậy, nhiều nhà hoạt động về khí hậu vẫn hy vọng rằng trong những giờ cuối cùng tranh luận, các nhà lãnh đạo G20 có thể đạt được một số tiến triển. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden là một trong số những người thúc đẩy hành động ở Rome cho dù bản thân chính sách khí hậu đầy tham vọng của ông cũng đang "gặp khó" ngay trong nội bộ đảng Dân chủ. Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, các điều khoản trong tuyên bố chung vẫn đang được thảo luận, cho rằng hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ giúp tạo đà trước Hội nghị COP26 ở Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) Quan chức này bày tỏ hy vọng Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ đưa ra cam kết ngừng tài trợ than, đưa ra "tín hiệu tích cực" về khử carbon trong ngành điện. 

Phát biểu với tờ Week Journal du Dimanche, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome phải nỗ lực hết sức để đảm bảo thành công của Glasgow.

Trước đó, ông Mario Draghi, Thủ tướng Italy - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên G20, chủ nhà hội nghị, hối thúc các nhà lãnh đạo G20 phải hành động chống biến đổi khí hậu. 

Hội nghị COP26 tại Glasgow được coi là cơ hội để đoàn kết cả thế giới trong nỗ lực thực hiện cam kết giới hạn mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C theo Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu. Hội nghị cũng là sự kiện khí hậu quan trọng nhất kể từ khi Hiệp định Paris được 195 nước ký kết tại Hội nghị COP 21 ở thủ đô nước Pháp năm 2015.

Ngọc Hà (TTXVN)
Các nhà lãnh đạo G20 tán thành thỏa thuận cải cách thuế toàn cầu
Các nhà lãnh đạo G20 tán thành thỏa thuận cải cách thuế toàn cầu

Dự thảo kết luận của hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), được đưa ra ngày 30/10 tại Rome, cho biết các nhà lãnh đạo G20 đã tán thành một thỏa thuận "lịch sử" trong đó các công ty đa quốc gia phải chịu mức thuế tối thiểu 15%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN