Trang tin EURACTIV.fr (Pháp) dẫn kết quả cuộc thăm dò của tổ chức phi chính phủ Pháp Secours Populaire công bố ngày 4/11 cho thấy, mặc dù chỉ 25% số người được hỏi nói rằng họ đang trong tình trạng bấp bênh, nhưng trong thực tế, phần lớn người châu Âu đã gặp khó khăn tài chính.
Secours Populaire, viện khảo sát IPSOS và các đối tác châu Âu đã khảo sát 6.000 người châu Âu về vấn đề xã hội ở 6 quốc gia: Pháp, Italy, Hy Lạp, Đức, Ba Lan và Anh.
Tổng thư ký Henriette Steinberg của Secours Populaire nói: “Tình trạng bấp bênh tăng mạnh ở châu Âu".
Các số liệu mới nhất cho thấy 51% người được hỏi ở Hy Lạp nói rằng một khoản chi phí bất ngờ có thể khiến họ vượt quá khả năng chi trả. Con số này là 18% ở Đức và khoảng 20-25% ở Pháp, Italy, Ba Lan và Anh.
Bà Steinberg cho biết: “Ngày càng có nhiều người châu Âu lo ngại rằng họ không thể tìm ra các giải pháp khả thi để hỗ trợ bản thân và gia đình".
Hầu hết người dân châu Âu đã phải đối mặt với những lựa chọn phức tạp do tình hình tài chính khó khăn. Một số phải hạn chế đi lại, giảm bớt sử dụng năng lượng sưởi ấm, kêu gọi sự giúp đỡ của người thân và làm thêm các công việc khác để kiếm sống.
“Chúng tôi nhận ra rằng tất cả người dân châu Âu đều có chung mối lo ngại: vấn đề thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, nhà ở và chu cấp cho con cái. Đây là cuộc sống hàng ngày của hàng chục triệu người”, bà Steinberg nói.
Lạm phát hàng năm của Khu vực đồng euro dự kiến là 10,7% vào tháng 10/2022, tăng từ mức 9,9% vào tháng 9, theo ước tính nhanh từ Eurostat, văn phòng thống kê của Liên minh châu Âu. Nhưng đối với một số người châu Âu, tiết kiệm tiền là chưa đủ. 42% trong số những người được khảo sát đã nhờ người thân cho vay hoặc cho họ tiền để tự trang trải cuộc sống.
Theo bà Steinberg, con số này là "một tín hiệu cảnh báo, những người này đã không đủ khả năng chi trả". Tỷ lệ đi vay cao nhất ở Hy Lạp (63%), tiếp theo là Anh, Italy, Ba Lan (từ 40% đến 41%) và Pháp (36%) và Đức (35%).
Nghị sĩ cánh tả Aurélie Trouvé, thành viên Ủy ban các vấn đề kinh tế của Quốc hội Pháp nhận xét: Vay tiền không bền vững về lâu dài. Một mặt, mọi người không dám xin tiền người thân, hoặc người thân chỉ đơn giản là không thể giúp họ. Mặt khác, dù các hộ gia đình có khả năng vay tiêu dùng, nhưng giải pháp khẩn cấp này có thể rủi ro khi lãi suất tăng.
“Rủi ro cuối cùng sẽ là xuất hiện một cuộc khủng hoảng tài chính và ngân hàng, như trong cuộc khủng hoảng năm 2007 ở Mỹ, nếu các hộ gia đình không còn khả năng thanh toán. Nếu các hộ gia đình không còn sức mua, nhu cầu sẽ giảm, dẫn đến sản xuất cũng sụp đổ, kéo theo là vấn đề việc làm và thất nghiệp. Đó là một vòng luẩn quẩn. Châu Âu đang hướng đến một thảm họa xã hội”, nghị sĩ Trouvé lưu ý.