Đây là động thái mới nhất trong cuộc chiến pháp lý giữa các tổ chức môi trường Greenpeace và Young Friends of the Earth Norway với Chính phủ Na Uy.
Các tổ chức đề nghị chính phủ hủy 10 giấy phép khai thác dầu tại khu vực biển Barents đã cấp năm 2016, cho rằng các giấy phép này vi hiến. Viện dẫn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - văn bản đặt mục tiêu giới hạn sự nóng lên toàn cầu dưới mức 2 độ C so với thời tiền công nghiệp, các tổ chức trên cho rằng các giấy phép khai thác dầu này vi phạm điều 112 của Hiến pháp Na Uy, trong đó đảm bảo cho mọi người quyền có một môi trường trong lành.
Tuyên bố của Greenpeace nêu rõ: "Cùng với Greenpeace khu vực Bắc Âu và Young Friends of the Earth Norway, 6 nhà hoạt động vì môi trường hy vọng ECHR sẽ thu lý vụ việc và tuyên rằng hoạt động khai thác dầu của Na Uy vi phạm quyền con người".
Tháng 12/2020, Tòa án Tối cao Na Uy đã bác đơn kiện của các tổ chức trên. Đây cũng là thất bại pháp lý thứ ba liên tiếp của họ. Trong khi hầu hết các thẩm phán của tòa nhất trí rằng điều 112 có thể được viện dẫn nếu nhà nước Na Uy không thực hiện các nghĩa vụ về khí hậu và môi trường của mình, nhưng họ khẳng định trường hợp này không được áp dụng trong vụ kiện trên. Tòa cũng cho rằng việc cấp giấy phép khai thác dầu mỏ không đi ngược lại với Công ước Nhân quyền châu Âu, một phần vì các giấy phép này không tạo ra "một nguy cơ thực sự và ngay lập tức" tới tính mạng và sự toàn vẹn về thể chất.
Greenpeace cho biết: "Các nhà hoạt động trẻ và các tổ chức môi trường lập luận rằng phán quyết trên không đúng, vì chưa tính đến các quyền hiến định về môi trường và một bản đánh giá chính xác về các hậu quả của biến đổi khí hậu đối với nhiều thế hệ trong tương lai".
Ngày 11/6, Chính phủ Na Uy đã công bố Sách Trắng về tương lai năng lượng của đất nước, trong đó vẫn bao gồm hoạt động khai thác dầu mỏ bất chấp cảnh báo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Gần đây, IEA đã cảnh báo mọi dự án nhiên liệu hóa thạch trong tương lai đều phải bị loại bỏ nếu thế giới muốn đạt mục tiêu trung hòa khí thải CO2 vào năm 2050.
Vụ kiện Na Uy là một ví dụ cho một xu hướng trên toàn cầu, trong đó các nhà hoạt động khí hậu ngày càng hướng đến các tòa án để theo đuổi lịch trình của mình.