Chuẩn bị cho chiến sự tại Mali

Theo hãng tin AFP, ngày 15/1, Pháp đã cho triển khai lực lượng bộ binh tới thị trấn Diabali, phía bắc thủ đô Bamako của Mali, nơi các tay súng Hồi giáo chiếm giữ một ngày trước đó.

Các nhân chứng cho biết hàng trăm binh sĩ Pháp và Mali đã được triển khai tới thị trấn Diabali, cách Bamako khoảng 400 km, trong khi một lực lượng khác rời Bamako để tiến về phía bắc.

Trong khi đó, các máy bay chiến đấu của Pháp tiếp tục không kích các cứ điểm của phiến quân ở Diabali, song theo một nguồn tin an ninh, các tay súng Hồi giáo vẫn chiếm giữ thị trấn và bắt cóc một số quan chức địa phương.

Trung đoàn bộ binh thuộc hải quân Pháp, đóng gần Bamako.


Bộ Quốc phòng Pháp có kế hoạch tăng dần quân số tham chiến tại Mali, từ 750 binh sĩ hiện nay lên 2.500 lính. Phát biểu ngày 15/1 khi đang ở thăm Arập Xêút, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết Paris không có kế hoạch triển khai lực lượng lâu dài tại Mali, song sẽ kéo dài tới khi tình hình an ninh được lập lại và sẽ giảm bớt vai trò khi lực lượng của các nước châu Phi triển khai tới nước này.

Đồng loạt đưa quân đến Mali


Cũng trong ngày 15/1, lãnh đạo quân đội các quốc gia Tây Phi đã nhóm họp tại Bamako để lên kế hoạch được Liên hợp quốc hậu thuẫn, theo đó sẽ triển khai một lực lượng quân sự khoảng 3.300 binh sĩ tới Mali. Trong ngày 16/1, các bên sẽ tiếp tục thảo luận để ra tuyên bố cuối cùng.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nigeria cho biết nước này cam kết sẽ triển khai khoảng 900 quân tới Mali, tăng so với con số 300 quân thông báo trước đây. Nhóm binh sĩ đầu tiên sẽ được điều tới Mali trong vòng 24 giờ tới. Ngoài ra, các nước Burkina Faso (Buốckina Phaxô), Niger (Nigiê), Senegal (Xênêgan) và  Togo (Tôgô) đều cam kết gửi quân vào cuối tuần tuần này; Benin (Bê-nanh) cũng khẳng định tham gia với 300 binh sĩ.

Trong khi đó, phát biểu ngày 15/1 sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Pedro Morenes tại Madrid, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã loại trừ khả năng triển khai lính Mỹ đến Mali, song cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ Pháp thu thập tin tình báo để tấn công các phần tử Hồi giáo cực đoan. Trong thời gian tới, Mỹ có thể điều máy bay tới Mali để hỗ trợ về hậu cần và tham gia vận chuyển bằng cầu hàng không.

Chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp vào Mali đã nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Bỉ đã đề xuất cung cấp 2 máy bay vận chuyển C-130 và 2 trực thăng cho lực lượng Pháp, trong khi Anh và Canada cũng đề nghị tham gia vận chuyển binh sĩ tới quốc gia Tây Phi này. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nước này đã xem xét khả năng hỗ trợ công tác hậu cần và viện trợ nhân đạo.

Theo một số nguồn tin, ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp trong ngày hôm nay 16/1 để thảo luận về việc đẩy nhanh quá trình triển khai hỗ trợ chiến dịch tại Mali.

Lo ngại vấn đề nhân đạo

Tổ chức quốc tế LHQ cũng đang hết sức lo ngại về tình hình nhân đạo tại Mali khi xung đột quân sự gây nên một làn sóng người di cư mới.

Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết, hơn 30.000 người Mali đã phải rời bỏ nhà cửa cuối tuần qua, nâng tổng số người vô gia cư ở trong nước lên hơn 200.000 người. OCHA ước tính khoảng 4,2 triệu người Mali cần giúp đỡ nhân đạo trong năm 2013, trong đó 2 triệu người không đủ lương thực và hàng trăm nghìn trẻ em bị suy dinh dưỡng.

Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết hiện các cơ quan cứu trợ nhân đạo gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các khu vực ở miền Bắc Mali do giao tranh tiếp diễn. UNHCR kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường đóng góp cứu trợ nhân đạo cho Mali.

Năm 2012 cơ quan này nhận được 77,4 triệu USD trong tổng số 123 triệu USD để giúp đỡ những người Mali tị nạn và vô gia cư. Dự kiến UNHCR sẽ phải huy động thêm 195,6 triệu USD nữa trong năm 2013.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo các vấn đề mất an ninh lương thực ở Mali sẽ trở nên tồi tệ hơn bởi cuộc xung đột này, trong khi Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) rất lo ngại về nguy cơ trẻ em bị lạm dụng tuyển vào quân đội.

Bên cạnh mối quan tâm nhân đạo, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) lo ngại các di sản văn hóa ở Mali sẽ bị tấn công và phá hủy trong cuộc xung đột hiện nay. Ngày 15/1, Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova đã kêu gọi tất cả các lực lượng quân sự ở Mali nỗ lực bảo vệ các di sản văn hóa của đất nước.


TTXVN/ Tin tức
Mali - “Ápganixtan thứ hai”?
Mali - “Ápganixtan thứ hai”?

Sau 4 ngày oanh tạc, chiến dịch không kích của Pháp ở Mali vẫn chưa có nhiều tiến triển, thậm chí còn gặp khó khăn trước cuộc phản công của phiến quân Hồi giáo ở miền bắc. Lực lượng này tuyên bố sẽ biến Mali thành một “Ápganixtan thứ hai” đối với Pháp và nguy cơ về một cuộc chiến kéo dài đang hiển hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN