Đại sứ John Sullivan, một nhà ngoại giao uy tín, quan chức dưới thời ông Trump vẫn được ông Biden giữ lại, đang nổi lên là nhân vật trung tâm, một nhân tố đo lường quyết tâm của Nhà Trắng trong căng thẳng với Moskva.
Bộ Ngoại giao Nga cuối tuần trước ra thông báo trục xuất 10 nhà ngoại giao Mỹ, cấm một số quan chức Nhà Trắng, trong đó có Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland, nhập cảnh vào Nga. Tuy nhiên, Nga không trục xuất Đại sứ Sullivan, thay vào đó Điện Kremlin triệu quan chức ngoại giao này tới gặp ông Yuri Ushakov – Trợ lý đối ngoại của Tổng thống Nga. Tại cuộc gặp, ông Ushakov khuyến nghị ông Sullivan trở về Washington để tham vấn với quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden.
Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ đã quyết định không làm theo “tư vấn” của ông Ushakov. Nguồn thạo tin cho biết ông Sullivan giữ quan điểm nếu Điện Kremlin muốn ông về nước, Tổng thống Putin sẽ buộc phải ra lệnh trục xuất ông.
Xuất hiện dấu hiệu căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ thời gian gần đây, mới nhất là các đòn trừng phạt, trả đũa lẫn nhau về trục xuất các nhà ngoại giao. Tuy nhiên, cả Washington và Moskva đều tìm cách không để đối đầu vượt tầm kiểm soát.
Ngay sau khi ký sắc lệnh cấm vận Nga, ông Biden bày tỏ hy vọng Nga sẽ không đưa ra trừng phạt đáp trả Mỹ và hai bên có thể “khởi động đối thoại chiến lược” giúp thúc đẩy nghị trình của Mỹ về Iran, biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và nhiều vấn đề khác. “Đây là thời điểm để xuống thang [căng thẳng]. Mỹ sẵn sàng hướng đến một tiến trình như vậy trên tinh thần xây dựng”, ông Biden nói trước báo giới ngày 15/4.
Về phần mình, Nga đã triệu hồi Đại sứ Anatoly Antonov về nước để tham vấn và chưa cử ông trở lại Mỹ. Moskva đáp trả tương xứng đòn trừng phạt của Washington, nhưng không trục xuất hay đưa ra tuyên bố “không hoan nghênh” đối với ông John Sullivan. Đây được xem là động thái kìm chế leo thang căng thẳng của Điện Kremlin, bởi lần gần nhất Moskva tuyên bố “không hoan nghênh” với Đại sứ Mỹ là trường hợp của ông George Kennan, diễn ra vào năm 1952.