Theo nguồn tin cảnh sát, khoảng 6.000 người đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Athens. Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở nhiều thành phố lớn khác. Làn sóng bãi công này đã làm tê liệt dịch vụ công, các bến phà và hầu hết các phương tiện giao thông công cộng tại Athens ngoại trừ xe buýt. Một số chuyến bay cũng bị hủy hoặc hoãn do nhân viên kiểm soát không lưu đình công.
Trước đó, ngày 4/5, hoạt động giao thông công cộng tại Hy Lạp cũng đã bị đình trệ khi nghiệp đoàn trong khu vực tư nhân lớn nhất ở nước này GSEE đã kêu gọi cuộc đình công kéo dài 24 giờ nhằm phản đối đề xuất kéo dài thời gian làm việc trong tuần. Tham gia cuộc đình công này có cả các hãng truyền thông, trong đó có hãng thông tấn ANA và đài truyền hình ERT.
Theo Chính phủ Hy Lạp, dự luật cải cách lao động sẽ cho phép điều chỉnh linh hoạt giờ làm việc, đưa ra những quy định về hình thức làm việc từ xa... Người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Aristotelia Peloni ngày 5/5 cho rằng dự luật cải cách trên là phù hợp với luật pháp của thế kỷ này cũng như nhu cầu thực tế của người lao động hiện nay. Bộ trưởng Lao động Costis Hatzidakis cũng cho biết những quy định mới sẽ cho phép người lao động thương lượng với giới chủ lao động về giờ làm việc, cụ thể họ có thể tăng giờ làm việc vào một khoảng thời gian nhất định trong năm để được nghỉ nhiều hơn sau đó.
Tuy nhiên, dự luật này đã vấp phải sự phản đối của các đảng đối lập, họ cho rằng những cải cách này ảnh hưởng đến quyền lao động. Trong khi đó, các nhà phê bình chỉ trích dự luật này sẽ chính thức hóa tình trạng bóc lột người lao động của giới chủ doanh nghiệp vốn đã tồn tại nhiều năm qua. Nghiệp đoàn GSEE khẳng định rằng 5 ngày tương đương 40 giờ làm việc trong một tuần phải được tôn trọng và tăng tiền làm thêm giờ.