Iran khẳng định không theo đuổi vũ khí hạt nhân

Ngày 17/2, lãnh đạo tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei cho biết nước này sẽ tiếp tục tăng cường năng lực hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình nhằm gìn giữ nền độc lập của đất nước, trong bối cảnh Tehran và các cường quốc đang đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Chú thích ảnh
Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei phát biểu tại Tehran ngày 17/9/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong phát biểu trên truyền hình, ông Khamenei nhấn mạnh Iran sẽ cần đến năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Theo ông, nếu Iran không theo đuổi năng lượng hạt nhân, nền độc lập có nguy cơ bị tổn hại. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo này không bao giờ theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 16/2 cho biết nước này và Iran đã tổ chức các cuộc đàm phán cấp chuyên gia về việc nối lại hoạt động nhập khẩu dầu thô từ Iran và dỡ bỏ phong tỏa đối với số tài sản trị giá khoảng 7 tỷ USD bị đóng băng tại các ngân hàng Hàn Quốc theo lệnh trừng phạt của Mỹ. 

Trong thông báo, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc bày tỏ hy vọng sẽ giải quyết được các vấn đề liên quan đến lệnh trừng phạt đối với Iran, trong đó có việc dỡ bỏ phong tỏa đối với khoản tiền bị đóng băng của Tehran, trên cơ sở đạt được đồng thuận về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015. Thông báo cũng nêu rõ Iran và Hàn Quốc đang thảo luận về hoạt động xuất, nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ, với điều kiện các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ như là một bước tiến của các cuộc đàm phán ở Vienna (Áo).

Trong khi đó, phát biểu trước truyền thông Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nhấn mạnh kết quả của cuộc họp cấp chuyên gia này có thể được coi là phép thử đối với quyết tâm của phía Hàn Quốc trong việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại và bình thường hóa quan hệ hai nước, thông qua xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ cho Hàn Quốc và đầu tư của các công ty Hàn Quốc đối với các dự án của Iran. Do vậy, Iran sẽ theo dõi sát kết quả của các cuộc đàm phán này để xem xét cách thức điều chỉnh quan hệ giữa hai nước.

Iran từng là nước cung cấp dầu thô hàng đầu cho Hàn Quốc. Tuy nhiên, quan hệ hai bên trở nên căng thẳng năm 2021 sau khi Tehran đe dọa kiện Hàn Quốc ra tòa, trừ phi Seoul gỡ phong tỏa đối với hơn 7 tỷ USD tiền thanh toán mua dầu bị đóng băng tại các ngân hàng ở Hàn Quốc do lệnh trừng phạt của Mỹ.

JCPOA được ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức). Theo thỏa thuận, Iran hạn chế chương trình hạt nhân đổi lại việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận với lý do còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Về phần mình, Tehran cũng thu hẹp dần các cam kết trong thỏa thuận này sau khi các nỗ lực trung gian của châu Âu không thu được kết quả.

Từ tháng 4/2021, Iran và các nước còn lại đã nối lại đàm phán tại Vienna để tìm cách khôi phục thỏa thuận, trong khi Mỹ không tham gia trực tiếp mà thông qua vai trò trung gian của Liên minh châu Âu (EU).

Lê Đạt (TTXVN)
​Iran và Mỹ đánh giá đàm phán hạt nhân đang ở 'những giai đoạn cuối cùng'
​Iran và Mỹ đánh giá đàm phán hạt nhân đang ở 'những giai đoạn cuối cùng'

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran Ali Bagheri ngày 16/2 nhận định các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Vienna (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đang “tiến gần hơn bao giờ hết đến một thỏa thuận”. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN