Trong thông cáo báo chí của mình, LHQ cho biết diễn đàn kéo dài 8 ngày này, diễn ra dưới sự điều hành của Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ (ECOSOC), "diễn ra trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng trên thế giới đang đe dọa khả năng đạt được các SDG vào năm 2030". Thông cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động nỗ lực khẩn cấp và hành động tập thể nhằm đảo ngược chiều hướng trên và đưa thế giới đi đúng hướng hướng tới một tương lai bền vững, trên cơ sở một cam kết mới đối với chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế.
Chủ tịch ECOSOC Collen Vixen Kelapile nhận định thế giới đang phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng về vaccine, lạm phát gia tăng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng lớn và những bất ổn địa chính trị. Ông nêu rõ: "Chúng ta đang trên con đường nguy hiểm, gây hại cho các thế hệ tương lai, nếu không hành động ngay bây giờ. Việc đảo ngược tình thế (hiện nay) nằm trong khả năng của chúng ta”.
Về phần mình, Tổng thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội của LHQ Liu Zhenmin nhấn mạnh các nước trên thế giới cần hành động nhanh chóng để thúc đẩy sự thay đổi lớn, phải duy trì cam kết với quan điểm lấy con người làm trung tâm và tập trung vào hành tinh để đạt được sự thịnh vượng đã đề ra trong Chương trình nghị sự năm 2030. Ông nêu rõ: “Điều này chỉ có thể xảy ra nếu tất cả chúng ta cùng hành động”.
Theo kế hoạch, hàng nghìn đại biểu tham gia diễn đàn, bao gồm các nguyên thủ quốc gia, hơn 100 bộ trưởng, các nhà lãnh đạo và đại diện của hệ thống LHQ, doanh nghiệp và xã hội dân sự sẽ trực tiếp thảo luận các biện pháp nhằm ứng phó với các tác động của đại dịch kéo dài và xung đột Nga-Ukraine, bao gồm cả lạm phát kinh tế toàn cầu, bất bình đẳng gia tăng và các cuộc khủng hoảng có liên quan chặt chẽ với nhau về an ninh lương thực, cung cấp năng lượng và tài chính. Các quốc gia thành viên sẽ thảo luận về những hành động cần thực hiện nhằm đảm bảo đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Năm nay, diễn đàn sẽ xem xét sâu hơn vào Mục tiêu 4 về giáo dục, Mục tiêu 5 về bình đẳng giới, Mục tiêu 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển, Mục tiêu 15 về quản lý rừng bền vững, chống sa mạc hóa, dừng và đảo ngược suy thoái đất, ngăn chặn việc mất đa dạng sinh học, cũng như Mục tiêu 17 về đẩy mạnh cách thức thực hiện và đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững. HLPF sẽ thể hiện cam kết không ngừng của cộng đồng quốc tế trong việc tăng cường đoàn kết quốc tế và đưa ra các chính sách phục hồi đầy tham vọng nhằm thúc đẩy các SDG. Đây là hai yếu tố không thể thiếu trong việc giải quyết các cuộc xung đột trên toàn thế giới.
Cũng tại diễn đàn lần này, 44 quốc gia, cả phát triển và đang phát triển, sẽ trình bày báo cáo Đánh giá quốc gia tự nguyện về việc thực hiện các SDG. Báo cáo về việc thực hiện các SDG năm 2022 cũng sẽ được công bố tại diễn đàn. Báo cáo tiến độ hàng năm này cung cấp một cái nhìn tổng quan toàn cầu về tiến độ thực hiện các SDG dựa trên dữ liệu gần đây nhất. Báo cáo năm 2022 dự kiến sẽ đề cập đến tác động từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu đan xen- đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng khí hậu và xung đột Nga-Ukraine và các nơi khác – đối với việc thực hiện các SDG. Ngoài ra, một tuyên bố cấp bộ trưởng sẽ được thông qua tại diễn đàn lần này. Đây cũng là sự kiện chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh về các SDG được lên kế hoạch tổ chức vào năm 2023.