Lộ tiêu chuẩn kép trong khủng hoảng ngoại giao giữa các quốc gia vùng Vịnh hiện nay

Theo WikiLeaks, chính quyền Mỹ đã biết việc Qatar và Saudi Arabia hậu thuẫn các phần tử khủng bố hoạt động tại các nước Trung Đông. Nhưng trong cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các quốc gia vùng Vịnh hiện nay Saudia Arabia đang cáo buộc Qatar câu kết với chủ nghĩa khủng bố. Theo các nhà phân tích chính trị, đây chính là kết quả của những tiêu chuẩn kép trong thế giới ngày nay.

Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và một loạt quốc gia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Không những thế, Saudi Arabia và Bahrain còn đóng cửa biên giới với Qatar. Lý do là các quốc gia Arab cáo buộc Qatar hỗ trợ khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

Tiêu chuẩn kép

Chuyên gia Trung Đông Marwa Osman đã trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nga RT và lý giải nhiều điều đằng sau những cáo buộc này và lý do tại sao bây giờ các cáo buộc mới xuất hiện.

Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz al-Saud (trái) ngày 7/6. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo bà Marwa, việc các nước chứa chấp khủng bố cáo buộc các nước khác chứa chấp khủng bố thể hiện tiêu chuẩn kép.


Saudi Arabia từng bị cáo buộc bảo trợ khủng bố cùng với Qatar. Qua vụ rò rỉ thư điện tử của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton năm 2014 trên trang Wikileaks, ta có thể thấy một bằng chứng. Bà Clinton đã cáo buộc cả Qatar và Saudi Arabia hỗ trợ khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.


Mới đây, thêm một bằng chứng nữa xuất hiện. Có một báo cáo về chủ nghĩa khủng bố bị cấm công bố ở Anh đầu tháng 6 này vì báo cáo chỉ thẳng Saudi Arabia là lực lượng tài trợ và hỗ trợ khủng bố ở Trung Đông.


Trong khi đó, từ trước đến nay, Saudi Arabia được cho là nước ủng hộ tư tưởng Wahhabi – tư tưởng chính của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.


Theo bà Marwa, việc một nước chứa chấp khủng bố cáo buộc nước khác chứa chấp khủng bố không phải là nút thắt của một chuyện đùa mà đó là hành động rất mạo hiểm, tạo ra thách thức cho cả khu vực.


Chuyên gia các vấn đề Trung Đông Ali Rizk cũng mô tả cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay là một ví dụ điển hình về tiêu chuẩn kép. Ông cho rằng việc Saudi Arabia tuyên truyền tư tưởng cực đoan đã diễn ra lâu và có bằng chứng.


Trong khi cả Saudi Arabia và Qatar đều chứa chấp khủng bố thì Qatar lại đang bị coi là nước duy nhất có hành động này ở Trung Đông. Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh hiện nay chính là nỗ lực mà Saudi Arabia đưa ra để dồn mọi chú ý vào Qatar.


Bà Marwa cho rằng nhìn bề ngoài, xung đột Qatar và Saudi Arabia dường như bắt đầu từ cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab năm 2011 và mới nóng lên cách đây ba tháng khi hai bên bắt đầu tranh cãi và chống lại nhau ở Syria – nơi mà mỗi bên bảo trợ một phe. Hai bên đều muốn kiểm soát khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Tuy nhiên, thù hằn giữa hai bên bắt đầu từ những năm 1950, khi Qatar ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo và từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh, hai bên trở thành kẻ thù.


Nhân tố Iran


Nhân tố được nhắc tới nhiều nhất trong khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay là Iran.


Từ lâu, Iran và Saudi Arabia đã cáo buộc nhau chứa chấp khủng bố. Mới đây nhất, ngày 13/6, Phó Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, Chuẩn tướng Massoud Jazayeri cáo buộc tổ chức IS tiến hành các cuộc tấn công trong khu vực dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Saudi Arabia.


Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết Iran đã tổng hợp được các dữ liệu tình báo cho thấy Saudi Arabia đang hỗ trợ cho những kẻ khủng bố dọc biên giới phía Đông và Tây Iran.


Các cáo buộc trên được đưa ra sau khi ngày 7/6, hai vụ tấn công khủng bố đã xảy ra tại thủ đô Tehran của Iran, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và hơn 40 người bị thương.


Qatar và các nước Arab còn lại mâu thuẫn gay gắt về vấn đề Iran. Nghị trình chống Iran đã được nêu ra trong hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và thế giới Arab ở Saudi Arabia khi Tổng thống Donald Trump tới đây. Theo chuyên gia các vấn đề Trung Đông Ali Rizk, giọng điệu thù địch chống Iran trong bài phát biểu của Quốc vương Saudi Arabia là chưa từng có tiền tệ.


Về phần mình, Qatar không ủng hộ nghị trình đó. Qatar tính toán hơn và không muốn gia tăng căng thẳng giáo phái. Hơn nữa, nước này có một mỏ khí đốt tự nhiên chung với Iran.


Qatar đã xây dựng quan hệ với Iran và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani từng nói Qatar và Iran có quan hệ lịch sử và sâu sắc. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani cuối tháng 5, ông nói rằng muốn quan hệ với Iran trở nên “mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.


Quốc vương Qatar khẳng định sẽ chỉ thị cho chính quyền Qatar làm mọi nỗ lực để phát triển quan hệ với Iran.


Thùy Dương/Báo Tin Tức
Ai sẽ 'ngư ông đắc lợi' trong khủng hoảng ngoại giao Qatar?
Ai sẽ 'ngư ông đắc lợi' trong khủng hoảng ngoại giao Qatar?

Các nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ ra quốc gia nào có thể hưởng lợi từ khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN