Nghị viện Scotland và Wales bỏ phiếu phản đối thỏa thuận Brexit

Ngày 5/3, Nghị viện xứ Scotland và Wales đã bỏ phiếu phản đối thỏa thuận Brexit mà chính phủ Anh đã nhất trí với EU trước đó. Đây là lần đầu tiên nghị viện của 2 vùng cùng đồng thời bỏ phiếu phản đối, thể hiện sự rạn nứt trong nội bộ nước Anh đối với vấn đề Brexit.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh cuộc họp Hạ viện Anh ở London ngày 27/2/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Vương quốc Anh, chính quyền địa phương Scotland và Wales từng nhiều lần cho rằng Thủ tướng Theresa May đã không lắng nghe ý kiến của họ trong kế hoạch đưa nước Anh rời EU.

Dù các cuộc bỏ phiếu tại nghị viện Scotland và Wales không có hiệu lực pháp lý nhưng đây là một cách để chính thức hóa sự phản đối của chính quyền các vùng này với  thỏa thuận Brexit của Chính phủ.

Quốc vụ khanh phụ trách quan hệ thể chế của Scotland Michael Russell cho rằng chính phủ Anh nên chấm dứt việc dùng mối đe dọa về một "thảm họa" Brexit "không thỏa thuận" để ép buộc Hạ viện Anh chấp nhận kế hoạch của Thủ tướng May mà được cho là gây thiệt hại nặng cho Anh từ vấn đề việc làm, tiêu chuẩn sống đến các dịch vụ công như y tế.

Tuy nhiên, cùng ngày, chính quyền địa phương vùng Bắc Ireland đã cảnh báo về những "hậu quả vô cùng to lớn" nếu như Anh rời EU "không thỏa thuận".

Người đứng đầu vùng Bắc Ireland David Stirling, trong thư gửi cho các chính đảng vùng này, khẳng định việc có sự thay đổi trong quy định với các nhà xuất khẩu và việc EU áp thuế sẽ dẫn đến gia tăng tình trạng thất nghiệp ở Bắc Ireland do khu vực này phụ thuộc nặng nề vào hoạt động buôn bán qua đường biên với Cộng hòa Ireland - quốc gia thành viên EU.

Nông nghiệp và thực phẩm sẽ đặc biệt bị ảnh hưởng bởi các chuỗi cung ứng đường biên. Ông Stirling cho rằng Brexit không thỏa thuận sẽ để lại tác động tiêu cực nặng nề dài lâu cho vùng này.

Hiện đường biên giới Ireland với vùng Bắc Ireland là đường biên giới mềm không có các chốt chặn kiểm soát, theo Hiệp định Thứ Sáu Tốt lành ký kết năm 1986. Tuy nhiên, khi Anh rời EU thì đây chính là đường biên giới giữa EU với Anh, mà theo quy định của EU thì trên biên giới giữa EU với một quốc gia khác sẽ phải thiết lập các chốt chặn kiểm soát.

Hồi năm ngoái, Thủ tướng May và các lãnh đạo EU đã nhất trí sẽ dùng phương án "chốt chặn cuối cùng" theo đó Bắc Ireland sẽ vẫn tuân thủ quy định của EU cho đến khi hai bên tìm được một giải pháp khác thay thế, nhằm đảm bảo duy trì đường biên giới mềm như hiện nay.

Tuy nhiên, kế hoạch này lại bị một số nghị sĩ ủng hộ Brexit phản đối. Đây cũng chính là những người đã bỏ phiếu phản đối thỏa thuận của Thủ tướng May trong đó có đảng Dân chủ Hợp nhất (DUP), vốn ủng hộ Thủ tướng May.

Hiện Anh vẫn đang trên lộ trình rời EU dự kiến vào ngày 29/3 tới dù có hoặc không thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, Thủ tướng May cho biết có thể tiến trình này có thể bị trì hoãn lại.

Diễm Quỳnh (TTXVN)
EU phát tín hiệu cho phép Anh thay đổi một số nội dung trong thỏa thuận về Brexit
EU phát tín hiệu cho phép Anh thay đổi một số nội dung trong thỏa thuận về Brexit

Ngày 5/3, Ngoại trưởng Jeremy Hunt cho biết Liên minh châu Âu đã phát đi tín hiệu "tương đối tích cực" về việc cho phép Anh thay đổi một số nội dung trong thỏa thuận về tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, nhằm giúp văn kiện này nhận được sự ủng hộ tại Quốc hội Anh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN