Nghiên cứu của Climate Central phát hiện ra rằng tốc độ cả 11 cơn bão của năm 2024 đều tăng thêm 14-45 km/giờ trong giai đoạn nhiệt độ đại dương đạt mức cao chưa từng thấy vào mùa bão năm nay. Phương pháp phân tích mới cho phép nhóm nghiên cứu tập trung vào đường đi của một cơn bão nhất định. Đơn cử như tại thời điểm bão Milton đạt cường độ mạnh nhất trước khi đổ bộ, khả năng xảy ra việc nhiệt độ mặt biển ấm lên do biến đổi khí hậu cao hơn 100 lần so với bình thường, trong khi tốc độ gió tối đa tăng thêm gần 39km/giờ.
Tác giả nghiên cứu Daniel Gilford cho biết khí thải carbon dioxide (CO2) và các khí nhà kính khác đã ảnh hưởng đến nhiệt độ bề mặt của biển trên toàn thế giới. Ở Vịnh Mexico, những khí thải này khiến nhiệt độ bề mặt biển tăng khoảng 1,4 độ C so với mốc nhiệt khi thế giới chưa ghi nhận tình trạng biến đổi khí hậu, từ đó làm gia tăng cường độ của các cơn bão. Như bão Debby và Oscar tăng cấp từ bão nhiệt đới thành bão lốc xoáy. Các cơn bão khác mạnh lên một cấp trên thang Saffir-Simpson, trong đó Milton và Beryl tăng từ cấp 4 lên cấp 5; Helene tăng từ cấp 3 lên cấp 4. Việc bão tăng một cấp tương đương với khả năng tàn phá tăng gấp 4 lần. Bão Helene đã cho thấy sức tàn phá đặc biệt khủng khiếp, cướp đi sinh mạng của hơn 200 người, trở thành cơn bão chết chóc thứ hai tấn công lục địa Mỹ trong hơn nửa thế kỷ, chỉ sau cơn bão Katrina năm 2005.
Nhà nghiên cứu Gilford và các cộng sự cũng đã công bố một công trình khác trên tạp chí Environmental Research Climate, trong đó đánh giá cường độ bão từ năm 2019- 2023. Họ phát hiện ra rằng 84% số cơn bão trong giai đoạn đó có vận tốc gió tăng thêm khoảng 29km/giờ do nhiệt độ bề mặt đại dương ấm lên. Trong 6 năm này, đại dương ấm hơn làm tăng sức mạnh của 40 cơn bão, với cấp độ bão tăng lên 1 cấp. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) Mỹ, một cơn bão cấp 5 gây thiệt hại lớn hơn 400 lần so với một cơn bão thấp nhất ở cấp 1, gấp hơn 140 lần so với một cơn bão cấp nhất ở cấp 3 và gấp hơn 5 lần so với một cơn bão thấp nhất trong cấp 4. Có 3 cơn bão, trong đó có bão Rafael trong tháng này, có tốc độ gió tăng thêm 2 cấp do yếu tố biến đổi khí hậu. Theo các tác giả, điều đáng quan ngại không phải là có nhiều cơn bão hơn mà là những cơn bão tồi tệ nhất có sức tàn phá ngày càng tăng.
Mặc dù cả 2 nghiên cứu nói trên chỉ tập trung phân tích ở lưu vực Đại Tây Dương, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết phương pháp của họ có thể được áp dụng cho các cơn bão nhiệt đới trên toàn cầu. Phát hiện này mang tính bao trùm hơn nghiên cứu trước đây, vốn chủ yếu chỉ ra mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu với lượng mưa trong bão.
Nhà khí hậu học Friederike Otto tại Đại học Hoàng gia London cảnh báo rằng những cơn siêu bão đang xảy ra với tần suất cao hơn dù nhiệt độ thế giới mới tăng hơn 1,3 độ C so với trước thời kỳ công nghiệp. Do đó, bà cảnh báo tác động có thể nghiêm trọng hơn nữa khi mức tăng nhiệt độ vượt quá 1,5 độ C.