Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono, quan chức phụ trách chương trình tiêm chủng vaccine của Nhật Bản, cho rằng các biện pháp kiểm soát khiến Nhật Bản không thể xác nhận về nguồn cung vaccine. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Kono cho biết đã nghe thông tin rằng số lượng vaccine sản xuất trong EU giảm đáng kể so với kế hoạch ban đầu, do đó Nhật Bản muốn đề nghị lập tức xuất khẩu số lượng vaccine đã thỏa thuận.
Nhật Bản đã đạt thỏa thuận mua 144 triệu liều vaccine của Pfizer, 120 triệu liều của AstraZeneca (Anh) và 50 triệu liều từ Moderna (Mỹ). Nước này hy vọng có thể bắt đầu tiêm chủng cho người dân từ cuối tháng 2, ưu tiên các nhân viên y tế, sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech.
Số vaccine của hãng này được sản xuất ở EU hiện chịu các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt hơn, được EU áp dụng từ cuối tháng 1 tới hết tháng 3. Theo những quy định mới, các công ty dược phẩm muốn xuất khẩu vaccine được sản xuất trong EU phải thông báo tới giới chức quốc gia để được cấp phép xuất khẩu. Các nước thuộc EU được quyền từ chối cấp phép xuất khẩu vaccine sang nước khác nếu nhà sản xuất vaccine không tuân thủ các hợp đồng hiện có với EU.
Ngày 1/2, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã hối thúc Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis đảm bảo việc xuất khẩu vaccine từ EU sang Nhật Bản sẽ không bị ảnh hưởng bởi những quy định mới. Về phần mình, ông Valdis Dombrovskis cho biết EU hiểu những quan ngại của Nhật Bản và sẽ nỗ lực tối đã để đảm bảo việc xuất khẩu vaccine sang Nhật Bản diễn ra suôn sẻ.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, việc EU thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt cũng khiến giới chức Canada lo ngại về nguy cơ việc cung cấp vaccine cho quốc gia Bắc Mỹ này bị chậm lại. Bộ trưởng phụ trách Thương mại Quốc tế của Canada, bà Mary Ng cho biết EU đã cam kết quy định kiểm soát xuất khẩu vaccine của khối này sẽ không ảnh hưởng đến các lô vaccine giao cho Canada. Tuy nhiên, bà cho biết lời cam kết không được đưa thành văn bản, đồng thời thừa nhận rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của EU đang "gây quan ngại".
EU hiện đang chậm chân so với các nước khác trong việc triển khai tiêm chủng và đang phải đối mặt với không ít rào cản, trong đó có tình trạng chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Trong khi đó, Chính phủ Canada cũng chịu áp lực khi tính đến ngày 1/2/2021, mới chỉ có chưa đầy 2% dân số Canada được chủng ngừa vaccine phòng COVID-19 và đang tìm cách đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine.
Trong khi đó, Pfizer-BioNTech ngày 15/1 thông báo rằng lượng vaccine giao cho EU, Canada và một số quốc gia khác trong tháng 1/2021 giảm do hãng phải nâng cấp nhà máy sản xuất ở châu Âu. Tuần trước, Canada không nhận được liều vaccine nào từ Pfizer. Tuy nhiên, chính phủ Canada dự kiến sẽ nhận được 149.000 liều vaccine trong 2 tuần đầu của tháng 2/2021.