Trưa 21/1 giờ Mỹ, tức rạng sáng 22/1 giờ Hà Nội, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 4 năm lần thứ hai dưới sự chứng kiến của 1.600 khách mời gồm các nghị sỹ Quốc hội, thành viên nội các, thẩm phán Tòa án Tối cao, tướng lĩnh quân đội, thống đốc bang, cựu tổng thống, nhà ngoại giao và khoảng 700.000 người dân quy tụ trước sảnh chính của tòa nhà Quốc hội.
Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Charles Schumer chủ trì lễ nhậm chức với tư cách là Chủ tịch Ủy ban hỗn hợp của Quốc hội về lễ nhậm chức.
Người dân chờ đợi lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đây là lần tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 lần thứ hai vì trước đó, ngày 20/1, đúng ngày kết thúc nhiệm kỳ 1, ông Obama và Phó tổng thống Joe Biden cũng đã tuyên thệ nhậm chức tượng trưng tại Nhà Trắng và dinh thự dành riêng cho phó tổng thống.
Tổng thống Mỹ gần đây nhất cũng phải làm lễ tuyên thệ nhậm chức hai lần là Ronald Reagan năm 1985. Hơn 30.000 cảnh sát đã được huy động, hàng chục tuyến phố đã bị rào chắn cấm xe cộ, một mạng lưới máy giám sát và dò tìm kim loại đã được thiết lập khắp các tuyến phố ở thủ đô Washington để bảo đảm an ninh cho lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Obama.
Tổng thống Barack Obama (trái), Phó Tổng thống Joe Biden (phải) tại lễ tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Obama không nêu cụ thể những chủ trương chính sách mà chính quyền của ông sẽ theo đuổi trong 4 năm tới mà chỉ tập trung nhấn mạnh những truyền thống cũng như sự cần thiết phải đoàn kết thống nhất để cùng nhau hành động nhằm đưa giữ vững vai trò số 1 của Mỹ, cả về kinh tế và các lĩnh vực. Ông Obama nhấn mạnh đặc trưng của nước Mỹ là một Hợp chủng quốc, không phân biệt màu da, tôn giáo, ai cũng có quyền lợi và trách nhiệm.
Mục tiêu bài diễn văn nhậm chức 2013 của ông Obama rõ ràng nhằm kêu gọi chính trường và xã hội Mỹ hãy sớm gạt bỏ những mâu thuẫn đảng phái do năm tổng tuyển cử 2012 để cùng nhau giải quyết những vấn đề quan trọng mà nước Mỹ đang phải đương đầu. Ông obama cũng không quên nhấn mạnh điều mà hầu như tổng thống nào của Mỹ xưa nay đều nhấn mạnh, đó là vai trò của nước Mỹ với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nước Mỹ là số 1.
Lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 21/1/2013 của ông Obama được mô tả là không "hoành tráng" bằng lễ nhậm chức nhiệm kỳ đầu hồi tháng 1/2009 với số người tham dự ở mức kỷ lục 1,8 triệu. Có nhiều nguyên nhân lễ nhậm chức năm nay diễn ra với quy mô nhỏ hơn, trong đó có lý do kinh tế còn nhiều khó khăn.
Hơn nữa, ông Obama của năm 2013 được dư luận Mỹ mô tả "không còn là một hiện tượng lạ" như năm 2009 khi ông là chính khách da màu đầu tiên lên làm ông chủ của Nhà Trắng. Ông Obama bắt đầu nhiệm kỳ 2 trong bối cảnh kinh tế Mỹ tuy đang trên đà phục hồi sau cuộc đại khủng hoảng 2007-2009 nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là tình trạng thất nghiệp, thâm hụt ngân sách và khoản nợ công đang ngày càng phình to. Ông Obama bắt đầu nhiệm kỳ mới trong bối nội bộ chính trị Mỹ đã và tiếp tục bị mâu thuân và chia rẽ đảng phái sâu sắc, do nhiều nguyên nhân, trong đó có kết quả của cuộc tổng tuyển cử năm 2012.
Ngay sau khi nhậm chức, ông Obama đã ký những văn kiện chính thức đệ trình các quyết định đề cử vào những vị trí chóp bu trong chính quyền lên Thượng viện Mỹ, bao gồm ông John Brennan làm Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), cựu Thượng nghị sĩ Chuck Hagel làm Bộ trưởng Quốc phòng, Thượng nghị sĩ John Kerry làm Ngoại trưởng và ông Jack Lew làm Bộ trưởng Tài chính.
TTXVN/Tin tức