Phố cổ Chiang Mai tôn vinh truyền thống văn hóa từ các lễ hội ánh sáng

Loy Krathong là lễ hội hoa đăng có truyền thống từ ngàn xưa tại Vương quốc Chùa Vàng và là dịp lễ lớn thứ hai trong năm sau Tết cổ truyền Songkran của người Thái Lan.

Chú thích ảnh
Nghi lễ thắp đèn “phang pateet” tượng trưng cho sự mở ra ánh sáng của sự sống. Ảnh: TTXVN phát

Được tổ chức hằng năm vào Rằm tháng 12 theo lịch Thái (thường vào tháng 11 Dương lịch), vào dịp này, người dân trên khắp đất nước Thái Lan sẽ tới các điểm sông nước, kênh rạch, ao hồ để thả Krathong - bè nổi theo truyền thống được kết từ lá chuối hoặc thân cây chuối, trên có bày hoa quả, thức ăn và nhang nến, tiền xu - nhằm bày tỏ lòng biết ơn tới Thần Nước và mong cầu những điều tốt đẹp cho cuộc sống.

Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, mặc dù Loy Krathong được tổ chức ở khắp các tỉnh, thành của Thái Lan, nhưng tỉnh Chiang Mai ở miền Bắc đất nước được xem là điểm đến mê hoặc nhất để chiêm ngưỡng sắc màu lung linh của ánh sáng và đắm mình trong không gian văn hóa đặc sắc của lễ hội này. Nghi lễ thắp đèn “Tam Phang Pateet Song Fa Haksa Mueang” là điểm nhấn của lễ hội Loy Krathong ở Chiang Mai, nơi những chiếc đèn lồng đất sét nhỏ, hay “phang pateet”, được thắp sáng để tôn vinh Nữ Thần Nước Mae Khongkha và bày tỏ lòng trân trọng các truyền thống của nền văn hóa Lanna.  

Theo chia sẻ của bà Saowakhon Sriboonruang, từ Mạng lưới bảo tồn đô thị Chiang Mai, nghi lễ thắp đèn “phang pateet” tượng trưng cho sự mở ra ánh sáng của sự sống, truyền tỏa hơi ấm như một ngọn đèn và phản ánh lòng biết ơn, sự trân trọng của cộng đồng đối với thành phố và di sản văn hóa của nó. Đây là một truyền thống có ý nghĩa, gắn kết mọi người lại gần nhau để kỷ niệm, tôn vinh và bảo tồn bản sắc văn hóa của họ.

Chú thích ảnh
Những chiếc đèn trời mang lại hình ảnh lung linh, huyền ảo về đêm. Ảnh: TTXVN phát

Bên cạnh lễ hội Loy Krathong, Chiang Mai còn nổi tiếng với lễ hội thả đèn trời Yi Peng. Năm nay, lễ hội Yi Peng của Chiang Mai được tổ chức theo chủ đề “Enchanting Mae Raming: Nghệ thuật ánh sáng và văn hóa”, kéo dài từ ngày 14-  17/11. Sự kiện này nhằm mục đích bảo tồn di sản văn hóa Lanna phong phú, kích thích nền kinh tế và phục hồi du lịch sau trận lũ lụt gần đây. Những điểm nổi bật tại sự kiện năm nay bao gồm cuộc thi hoa đăng lớn dành cho Cúp Nhà vua, cuộc diễu hành theo phong cách Lanna, chương trình biểu diễn ánh sáng và âm thanh trên sông Ping, bắn pháo hoa để tôn vinh Nhà vua, cuộc thi Yi Peng và chương trình chiếu sáng trang trí thành phố Chiang Mai, tạo nên bầu không khí về đêm tuyệt đẹp.

Chú thích ảnh
Điệu múa truyền thống của người dân Thái Lan. Ảnh: TTXVN phát

Để đảm bảo an toàn, Văn phòng Tổng cục Du lịch Thái Lan Chiang Mai đã kêu gọi người dân khi tham gia Lễ hội Yi Peng năm 2024 chỉ được thả đèn trời trong các ngày 15 - 16/11 từ 19h ngày hôm trước đến 1h sáng hôm sau tại các khu vực được chỉ định.

Việc tổ chức các lễ hội Loy Krathong và Yi Peng với quy mô hoành tráng là một phần trong chiến dịch Lễ hội mùa Đông mà Chính phủ của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đề ra trước đó. Thông qua chiến dịch này, Thái Lan hướng tới mục tiêu đạt doanh thu 300 tỷ baht (8,5 tỷ USD) trong 2 tháng cuối năm, qua đó góp phần thúc đẩy doanh thu của ngành du lịch vượt qua con số 2.780 tỷ baht (79 tỷ USD) trong cả năm 2024.

Chú thích ảnh
Cuộc diễn hành quy mô lớn được tổ chức với nhiều màu sắc rực rỡ. Ảnh: TTXVN phát

Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan cũng đang đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ du lịch tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Chiang Mai và Chiang Rai, sau khi các địa phương này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các trận lũ lụt diễn ra kể từ tháng 10 vừa qua. Theo sáng kiến của Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, 10.000 du khách đến với khu vực miền Bắc Thái Lan trong nửa cuối năm nay sẽ được hỗ trợ 400 baht (tương đương 12 USD) cho mỗi chuyến đi.

Đỗ Sinh - Huy Tiến (TTXVN)
Độc đáo nghi lễ Xaybath tại Boun Thatluang - Lễ hội Phật giáo lớn nhất trong năm của Lào
Độc đáo nghi lễ Xaybath tại Boun Thatluang - Lễ hội Phật giáo lớn nhất trong năm của Lào

Trong khuôn khổ lễ hội truyền thống Boun Thatluang của người dân Lào diễn ra từ ngày 11 - 15/11, ngay từ sáng sớm 15/11, hàng nghìn chư tăng ni, Phật tử và người dân từ khắp nơi trên cả nước Lào đã cùng đổ về quảng trường Thatluang ở thủ đô Viêng Chăn để kê bàn, trải chiếu, ngồi dọc hai bên đường theo lối vào chùa Thatluang để cùng tham gia nghi lễ Xaybat hay còn gọi là nghi lễ cúng dường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN