Mặc dù GCC và ASEAN thiết lập quan hệ vào năm 1990, nhưng cuộc họp cấp cao lần này sẽ là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của hai khối nhằm tối ưu hóa hợp tác giữa hai khu vực. Tổng thư ký ASEAN, Tiến sĩ Kao Kim Hourn, sẽ dẫn đầu phái đoàn ASEAN tới tham dự Hội nghị Cấp cao.
Theo dự kiến, hội nghị sẽ ra tuyên bố chung về kế hoạch hợp tác trong giai đoạn 2024-2028. Phát biểu trước các phóng viên tại Riyadh ngày 19/10, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Zambry Abdul Kadir cho biết tại Hội nghị Cấp cao GCC-ASEAN lần này, Malaysia sẽ tìm cách tăng cường quan hệ với các quốc gia vùng Vịnh. Ông Abdul Kadir nói thêm: "Với tư cách là điều phối viên ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử này, Malaysia đã được giao nhiệm vụ hỗ trợ công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Saudi Arabia".
Đối với các nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á, Hội nghị Cấp cao GCC-ASEAN sẽ là cơ hội tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quốc gia vùng Vịnh trong các vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Singapore cho biết: "Tại hội nghị cấp cao này, các nhà lãnh đạo ASEAN và GCC sẽ thảo luận các cách thức tăng cường quan hệ và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới và mới nổi lên như nền kinh tế xanh và nền kinh tế số".
Trong cuộc gặp tại Cung điện Al Yamamah ở Riyadh ngày 19/10, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã thảo luận về quan hệ hợp tác giữa hai nước cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Thái tử Mohammed cũng đã tiếp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.
GCC bao gồm Saudi Arabia, Oman, Qatar, Bahrain, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), trong khi ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar và Philippines. Trao đổi thương mại giữa các quốc gia ASEAN hiện ở mức hơn 110 tỷ USD mỗi năm.