Thủ tướng Iraq yêu cầu trừng phạt người biểu tình tại Vùng Xanh

Thủ tướng Abadi đã chỉ thị Bộ Nội vụ Iraq bắt giữ và đưa các đối tượng quá khích trên ra trước công lý để nhận hình phạt.

Người dân Iraq tham gia biểu tình bên trong tòa nhà Quốc hội tại thủ đô Baghdad ngày 30/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 1/5, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã yêu cầu nhà chức trách nước này bắt giữ và khởi tố những người biểu tình đã tấn công lực lượng an ninh, các nghị sĩ và phá hoại tài sản công, sau khi có hàng nghìn người biểu tình tràn vào khu vực "Vùng Xanh" (Green Zone), nơi đặt các tòa nhà chính phủ, đại sứ quán nước ngoài ở thủ đô Baghdad, nhằm yêu cầu cải cách.

Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng nêu rõ, Thủ tướng Abadi đã chỉ thị Bộ Nội vụ bắt giữ và đưa các đối tượng quá khích trên ra trước công lý để nhận hình phạt. Tuy nhiên, lực lượng an ninh ngày 1/5 đã không có hành động chống người biểu tình bên trong Vùng Xanh.

Hiện những người biểu tình ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi'ite Moqtada al-Sadr đã cắm trại ngay bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Baghdad, sau khi hàng nghìn người xông vào khu vực an ninh Vùng Xanh. Lần đầu tiên trong nhiều tuần, những người biểu tình xông vào khu vực này và tình trạng khẩn cấp đã được ban bố. Những người biểu tình tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình ngồi bên trong Vùng Xanh cho đến khi yêu cầu của họ được đáp ứng. Trước những diễn biến này, phái bộ Liên hợp quốc tại Iraq đã bày tỏ quan ngại và ra tuyên bố lên án bạo lực nhằm vào các quan chức được bầu, đồng thời hối thúc kiềm chế và tôn trọng cơ quan lập pháp của Iraq tại thời điểm quan trọng này.

Theo kế hoạch, ngày 30/4, Thủ tướng Abadi phải trình Quốc hội thông qua danh sách nội các cải tổ, nhưng phiên họp đã bị hoãn lại đến tuần sau do không hội tụ đủ số nghị sĩ cần thiết theo luật định để tiến hành bỏ phiếu.

Hồi tháng 3 vừa qua, giáo sĩ Sadr đã tổ chức một cuộc biểu tình ngồi hai tuần tại "Vùng Xanh", nhằm kêu gọi thành lập một chính phủ gồm các nhà kỹ trị. Cuộc biểu tình này đã dừng sau khi Thủ tướng Abadi trình danh sách nội các lên Quốc hội. Đến ngày 31/3, Quốc hội đã bác danh sách này khiến Thủ tướng Abadi phải thay thế hầu hết các ứng viên bằng những cái tên do các phe nhóm chính trị đưa ra. Điều này đã gây ra tranh cãi gay gắt trong Quốc hội, khiến việc bỏ phiếu về cải tổ nội các phải hoãn đến ba lần và Chủ tịch Quốc hội Salim al-Juburi cùng hai cấp phó của ông bị bỏ phiếu bãi nhiệm ngày 14/4. Tuy nhiên, động thái này đã bị các khối nghị sĩ khác bác bỏ với lý do phiên họp không hợp hiến vì không đáp ứng tỉ lệ nghị sĩ dự họp theo quy định.

Những biện pháp cải cách bất thành làm tê liệt Quốc hội và Chính phủ Iraq trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện đã chiếm giữ một phần rộng lớn diện tích phía Bắc và Tây Iraq. Nước này cũng đang phải nỗ lực đối phó với khủng hoảng kinh tế do giá dầu thế giới sụt giảm mạnh.

TTXVN/Tin Tức
Nhà quốc hội bị phá, Iraq ban bố tình trạng khẩn cấp
Nhà quốc hội bị phá, Iraq ban bố tình trạng khẩn cấp

Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại thủ đô Baghdad của Iraq ngày 30/4, sau khi hàng nghìn người biểu tình tràn vào khu vực "Vùng Xanh" (Green Zone), nơi đặt các tòa nhà chính phủ, đại sứ quán nước ngoài và vốn được bảo vệ nghiêm ngặt nhất ở Baghdad.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN