Phát biểu tại họp báo trước thềm hội nghị mùa Xuân thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), diễn ra từ ngày 12-14/4 tại Washington (Mỹ), bà Lagarde cho biết tại thời điểm diễn ra hội nghị mùa Xuân năm ngoái, 75% nền kinh tế toàn cầu đạt bước tiến triển đồng thời, nhưng giờ đây, 70% nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại.
Bà Lagarde đưa ra nhận định trên khi IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ khôi phục mức tăng trưởng mạnh hơn vào năm tới. Bà cho biết dù IMF dự báo tích cực trong năm tới, nhưng nhiều nguy cơ có thể làm sai lệch dự báo này, bao gồm những căng thẳng thương mại chưa được giải quyết, gánh nặng nợ cao của các quốc gia và các tập đoàn, và những bước đi chính trị sai lầm như "cuộc ly hôn vụng về" của Anh khỏi Liên minh châu Âu (EU). Bà khẳng định: "Chúng ta đang ở trong một giai đoạn nhạy cảm".
Trong khi đó, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của IMF Gita Gopinath nhận định cuộc chiến thương mại xuất phát từ việc Mỹ đánh thuế ô tô có nguy cơ sẽ hủy hoại đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu mạnh hơn những gì xung đột thương mại Mỹ - Trung đã gây ra.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 11/4, chuyên gia Gopinath cho rằng một cuộc xung đột như thế sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của nhiều nước hơn nữa và dẫn tới các mức thuế trả đũa từ rất nhiều đối tác thương mại đánh vào hàng hóa của Mỹ.
Bà nhấn mạnh nếu xung đột thương mại lan sang lĩnh vực xe ô tô, sức hủy hoại trong chuỗi dây chuyền sản xuất toàn cầu sẽ ở mức lớn hơn, vì vậy, nền kinh tế thế giới sẽ phải trả giá nhiều hơn so với cái giá của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa áp thuế 25% đối với xe ô tô và linh kiện xe hơi nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia. Ông Trump công khai thừa nhận rằng ông đang sử dụng lời đe dọa đánh thuế ô tô để buộc các đối tác thương mại như Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng gần đây, ông cũng dọa áp thuế ô tô với Mexico nếu nước này không cải thiện an ninh biên giới. Nếu được áp đặt, các mức thuế trên sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế thế giới nửa sau năm 2019, thời điểm mà IMF dự báo tăng trưởng sẽ phục hồi.
Tuy nhiên, bà Gopinath cũng dự báo triển vọng sẽ tích cực nếu Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại và dỡ bỏ các mức thuế hàng hóa đã áp đặt.
Chuyên gia Gopinath cho biết thêm rằng thương mại nằm trong số những nguy cơ lớn nhất, ngoài ra còn có sự gia tăng nợ nhà nước và nợ doanh nghiệp, sức ép của các thị trường mới nổi hàng đầu và cuộc "ly hôn" hỗn loạn của Anh với EU.
Trong một cuộc họp báo khác, tân Chủ tịch WB David Malpass cho biết sự tăng trưởng chậm lại hiện nay của nền kinh tế toàn cầu sẽ hủy hoại các nỗ lực chống đói nghèo, đặc biệt là ở khu vực châu Phi cận Sahara. Ông cũng bày tỏ ủng hộ những nỗ lực của WB nhằm xử lý các vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, bất chấp thực tế Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.